Mở rộng thủ đô hay xây "vùng thủ đô"?

Cập nhật 07/05/2008 14:00

Bạn đọc Võ Kim Sơn bàn về việc nên chăng Việt Nam xây dựng một vùng lãnh thổ đặc biệt - "vùng thủ đô" và xây dựng cơ chế quản lý, điều hành phối hợp liên ngành, địa phương thay vì mở rộng thủ đô.

Việc mở rộng địa giới hành của một đơn vị hành chính là chuyện bình thường và cũng không bình thường. Chính vì vậy, nhiều nước địa giới hành chính ở cấp thứ nhất (tỉnh) có thể yên vị nhiều chục năm. Ở Việt Nam, thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh là một việc làm "rất đặc biệt". Riêng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội chúng ta cũng đã có nhiều lần "thay đổi".

Khi nói về quy hoạch, chắc rằng trước đây không ai không cho rằng phương án đó là không tốt. Và Quốc hội cũng đã phải bỏ phiếu thông qua. Và kể cả việc thông qua trả lại vùng đã sát nhập vào Hà Nội.

Ai cần lấy ý kiến ai?

Khi Quốc hội chưa bàn đến một việc rất quan trọng như mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội hay một tỉnh nào đó, thì các tỉnh lại tự cho mình một quyền rất lớn là tự đề xuất mở rộng địa giới hành và Hội đồng Nhân dân ra nghị quyết nhất trí. Đây là một trong những vấn đề trên phương diện quản lý nhà nước cần quan tâm. Và đây cũng chính là thiếu một sự xác định rõ những loại công việc nào của bộ máy nhà nước do cơ quan nào làm.

Tại sao Hội đồng Nhân dân Hà Tây cũng họp nhất trí về việc “đưa Hà Tây trọn vẹn” về Hà Nội và tại sao Hội đồng Nhân dân Hà Nội lại ra Nghị quyết “đưa trọn vẹn Hà Tây và một số tỉnh, huyện khác về với thủ đô Hà Nội”.

Ai là người đứng ra hỏi câu hỏi “hợp nhất hay không”; Quốc hội lấy ý kiến hay chính phủ lấy ý kiến hay những nhà “lập quy hoạch” lấy ý kiến.

Cách làm của Hội đồng Nhân dân một số tỉnh có thể tạo ra một “sức ép rất lớn” đối với Quốc hội khi mà Quốc Hội sẽ phải bỏ phiếu thông qua (hoặc chưa thông qua) Nghị quyết về “địa giới hành chính mới của cấp tỉnh - Hà Nội và cũng đồng nghĩa xóa trên danh mục Tỉnh Hà Tây”. Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng miễn cưỡng khi đồng ý sát nhập.

Mở rộng thủ đô hay xây "vùng thủ đô"?

Vấn đề cơ bản không phải mở rộng, lấy thêm đất để đưa về Thủ đô Hà Nội như nhiều nhà quy hoạch đề xuất để từ đó sẽ tạo nên một Hà Nội mới. Vấn đề rất đáng quan tâm đó chính là một cơ chế để quản lý phát triển kinh tế - xã hội của một vùng đất mà nhiều nước và cũng như quy hoạch của Bộ xây dựng đề cập đến là “Vùng thủ đô”.

Vùng thủ đô không phải là Thủ đô. Như Hàn Quốc xem Vùng Thủ đô bao gồm cả những khu vực lân cận; Ấn Độ cũng tương tự.

Nhưng không có nghĩa là có Vùng thủ đô, thì Thủ đô phải mở rộng. Những ý kiến về Thủ đô đã hết đất; Thủ đô đã không đủ sức chứa,... đều là những thông tin cơ bản. Nhưng nếu như Hà Nội, Hà Tây áp dụng mô hình Vùng thủ đô, với cơ chế rất đặc biệt của sự liên kết, có thể tạo ra một sự hài hòa mà không cần “sát nhập, hợp nhất”.

Trên thực tế, việc xóa đi một đơn vị hành chính (cấp 1) như đã làm rất nhiều năm trước đây tạo ra nhiều vấn đề bức xúc. Chính vì vậy, nhiều đơn vị hành chính của các nước đều được giữ nguyên và có chăng sự thay đổi là cơ chế liên kết phối hợp giữa các đơn vị hành chính với nhau trên nguyên tắc: lợi ích chung kết hợp với lợi ích của địa phương.


Chúng ta nói rất nhiều đến “kết hợp quản lý ngành - trung ương với quản lý lãnh thổ - địa phương” nhưng trên thực tế chúng ta lại không quan tâm đến cơ chế này và chính vì thế, địa phương nào cũng tạo cho mình “cái riêng, vượt rào”.

Thay đổi từ cơ chế quản lý, phối hợp?

Mặt khác, Thủ đô cần được xem như là một “vùng lãnh thổ đặc biệt”, không phải cấp bang, không phải cấp tỉnh (như vùng lãnh thổ Liên bang của Australia, Malaysia). Đó là vùng lãnh thổ đạt dưới sự quản lý trực tiếp của chính phủ (thông qua nhiều bộ ngành). Nhưng đồng thời, do mối quan hệ đặc biệt và nhu cầu phát triển sự liên kết của Thủ đô với vùng xung quanh trở thành tất yếu. Cơ chế phối hợp giữa Thủ đô với các tỉnh khác cần đặt trong tổng thể sự chỉ đạo mang tính ngành của Chính phủ.

Hãy nghiên cứu một cơ chế được thể chế hóa về sự phối hợp giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh xung quanh trước khi hợp nhất hay sát nhập những địa giới hành chính mới để mở rộng quy mô. Nếu không nghiên cứu cơ chế này, dù có mở rộng thì nhiều mối quan hệ với các tỉnh xung quanh Thủ đô sẽ lại trở thành “vấn đề” khi đã mở rộng và liệu có những bài toán tiếp để nhập Hưng Yên; Bắc Ninh,.... về với thủ đô Hà Nội.

Tác giả bài viết mong muốn trước hết hãy nghiên cứu một cơ chế phối hợp (do chính phủ xây dựng và được Quốc hội phê duyệt) thành một loại văn bản pháp luật có hiệu lực. Không phải Hà Nội xây dựng; cũng không phải Hà Tây xây dựng mà Chính phủ phải xây dựng và bắt buộc thực hiện cơ chế (quản lý ngành). Và khi cơ chế này được ban hành, không chỉ Hà Tây, mà các tỉnh khác nằm trong "Vùng Thủ đô” phải thực hiện cơ chế đó.

Cần hoàn thiện “Quy hoạch Vùng Thủ đô” một cách thật sự khoa học, khả thi, tránh những mong muốn mang tính định tính. Vùng Thủ đô, không phải là sự mở rộng Thủ đô Hà nội mà là một tổng thể của Hà Nội và các tỉnh lân cận gần của Hà Nội. Và trên nguyên tắc này, không nhất thiết phải thay đổi địa giới hành chính và đầu mối hành chính.

Trên cơ sở quy hoạch Vùng Thủ đô (không phải quy hoạch Thủ đô) thiết lập một cơ chế “phối hợp dựa trên một văn bản pháp luật có hiệu lực” để Thủ Đô Hà Nội, các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô thực hiện. Cách làm này sẽ chưa động chạm gì đến “mở rộng ai; nhập, tách ai” hay cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính địa phương sẽ có một sự “ổn định tương đối” để kiểm nghiệm tính khả thi của cơ chế phối hợp.

Nếu chúng ta “thay đổi” cả về cơ chế; quy mô, con người, hoạt động sẽ khó tạo ra được một sự thay đổi. Tôi cho rằng “Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội là rất quan trọng” và xây dựng cơ chế phối hợp theo mô hình “Vùng Thủ đô” có thể đem lại hiệu quả cao hơn và cần có một cơ quan trực thuộc chính phủ chuyên chăm lo vấn đề "cơ chế phối hợp này" hơn là mở rộng địa giới hành chính, nhập tỉnh, huyện vào với Thủ đô.

Theo VietNamNet