Nguồn tin của Thanh Niên cho biết chiều nay 13.3, nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án mở rộng sân bay có cuộc họp báo cáo với Bí thư Thành ủy TP.HCM về phương án kết nối giao thông nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc.
Vẫn chưa có phương án cuối cùng trong việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
|
Theo đó, nhóm chuyên gia Hội cầu đường cảng TP.HCM kết hợp cùng Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R đề xuất xây dựng đường trên cao số 1 và đường nối vào cửa phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất.
Kẹt xe tăng nếu mở rộng theo hướng nam
Tại cuộc họp báo cáo cuối kỳ về quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Công ty tư vấn ADPi Engineering đến từ Pháp dự báo đến năm 2025, số lượt cất hạ cánh qua Tân Sơn Nhất là 301.000 lượt, tương đương 51 triệu khách và 960.000 tấn hàng. Với phương án công suất 50 triệu khách/năm, tư vấn đề nghị không xây dựng mới đường băng mà giữ nguyên 2 đường băng hiện tại, có cải tạo. Về việc xây thêm nhà ga hành khách mới, ADPi đưa ra khuyến cáo nếu xây nhà ga ở phía bắc (phần sân golf) sẽ làm tăng chi phí vận hành vì hai nhà ga tách rời, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng lớn. Phương án ưu tiên là xây dựng nhà ga mới ở phía nam cạnh nhà ga hiện nay để kết nối hai nhà ga.
Tuy nhiên, phương án này lại trái ngược hoàn toàn với nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án mở rộng sân bay của TP.HCM.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM, cho rằng ADPi chỉ chú ý việc kết nối giao thông ra phía nam, từ sân bay nối ra các đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ… mà không quan tâm đến kẹt xe đang là vấn nạn của giao thông khu vực này. Loạt đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, đường Trường Sơn từ khu vực Gò Vấp qua Lăng Cha Cả lúc nào cũng kẹt cứng, cản trở khách ra vào sân bay dù TP đã liên tục đưa ra các giải pháp “cấp cứu”. Chưa kể khách đến sân bay không chỉ là người dân TP mà còn từ các vùng khác, nếu chỉ kết nối giao thông phía nam thì những người này vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm, “chèn” vào mạng lưới giao thông đô thị, dẫn đến ách tắc nghiêm trọng.
Đồng tình, nhóm chuyên gia Hội cầu đường cảng TP.HCM cho rằng dự đoán nhu cầu khách của ADPi chưa có căn cứ. Hiệp hội Hàng không quốc tế cũng đã dự báo đến năm 2025, Tân Sơn Nhất sẽ phải cung ứng nhu cầu cho 79 triệu khách. “Thu hồi sân golf, mở ga hành khách, mở rộng sân bay về phía bắc là phương án cần thiết và thuận tiện nhất để sân bay có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2025”, ông Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn Đường sắt metro, Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, thành viên nhóm tư vấn Hội cầu đường cảng TP.HCM khẳng định.
Mặt bằng phương án xây dựng đường trên cao số 1 và đường nối vào cửa phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất. ẢNH: HỘI CẦU ĐƯỜNG CẢNG TP.HCM CUNG CẤP |
Kéo dài tuyến trên cao số 1 thêm 5,3km
Từ quan điểm trên, nhóm chuyên gia Hội cầu đường cảng TP.HCM đã kết hợp cùng Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R (nhóm tư vấn) nghiên cứu dự án kết nối đường trên cao số 1 và đường nối vào cửa phía bắc sân bay.
Cụ thể, theo thiết kế đã được phê duyệt, tuyến đường trên cao số 1 của TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 9,5km, bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - cắt qua đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã ba đường Nguyễn Văn Lạc và đi theo đường Ngô Tất Tố để kết nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Nhóm tư vấn đề xuất kéo dài thêm tuyến trên cao số 1 này để kết nối với sân bay cũng như giao thông khu vực sân bay ở phía bắc. Cụ thể, xây dựng đường trên cao số 1 theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện theo đúng quy hoạch đã có của thành phố, giai đoạn 2 xây dựng đường trên cao đoạn từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả, sẽ kết nối cầu chính và xây dựng thêm các nhánh nối từ Tân Sơn Nhất lên cầu cạn và ngược lại.
Cụ thể, điểm đầu giao cắt với điểm cuối của đường trên cao số 1 tại ngã ba đường Cộng Hòa và đường Trường Chinh, đi bằng theo đường Phạm Văn Bạch, dọc theo tường bảo vệ phạm vi sân bay, đến ngã ba Trần Thái Tông, sau đó rẽ phải và đi trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất, đi song song với đường băng cất hạ cánh của sân bay, và kết nối với đường Quang Trung. Đoạn này gọi là đường nối vào cửa phía bắc sân bay, có tổng chiều dài 5,3km.
Ông Hà Ngọc Trường nhận định kéo dài tuyến đường trên cao số 1 không chỉ để kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất sau khi mở rộng, tạo thành đường chuyên dụng ra vào sân bay mà còn góp phần kết nối với tuyến đường đường sắt đô thị số 2 (tuyến metro Bến Thành - Tham Lương), giảm tải giao thông đô thị. Cụ thể, ông Trường cho biết tuyến đường nối vào cửa bắc sân bay theo thiết kế sẽ đi qua ga Bà Quẹo và ga Phạm Văn Bạch (đoạn đi ngầm tuyến metro số 2). Đơn vị tư vấn đề xuất trên tuyến đường nối, thiết kế lối lên, xuống tại 2 ga này để hành khách có thể đi đường trên cao, tới ga Bà Quẹo xuống đi metro vào trung tâm thành phố, hoặc đi metro từ Bến Thành đến ga Phạm Văn Bạch lên đường trên cao đi về phía sân bay.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên