Mở rộng, ngầm hóa công trình trụ sở UBND TP.HCM 129 năm tuổi

Cập nhật 16/04/2018 15:59

Từ ngày 16.4 - 1.5, phương án thiết kế quy hoạch chi tiết và kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, Q.1) được trưng bày tại 92 Lê Thánh Tôn để người dân tham quan, góp ý.

Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM. ẢNH: ĐÌNH PHÚ CHỤP LẠI TỪ TRIỂN LÃM

Tại lễ khai mạc trưng bày triển lãm do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM tổ chức sáng nay, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết phương án được Hội đồng tuyển chọn quốc gia chọn do Công ty GENSLER - công ty tư vấn thiết kế kiến trúc, quy hoạch hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Mỹ thực hiện, từng được xếp hạng thứ 2 trong số 100 công ty kiến trúc lớn nhất thế giới, thực hiện.

Hội đồng tuyển chọn quốc gia chọn phương án do Công ty GENSLER đề xuất từ đầu tháng 11.2017, sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, phương án hoàn chỉnh được trưng bày triển lãm để người dân tham quan, góp ý từ ngày 16.4 - 1.5, trước khi triển khai xây dựng trên thực tế.

Theo phương án của Công ty GENSLER, diện tích khuôn viên dự án rộng hơn 18.000m2, diện tích xây dựng hơn 14.000m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ý tưởng khi lên phương án thiết kế là gìn giữ tính văn hóa, lịch sử của công trình kiến trúc bảo tồn, hướng đến sự hiện đại, năng động, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với thiên nhiên của tòa nhà mới, phù hợp với bối cảnh đô thị của thế kỷ 21, tạo được dấu ấn riêng và tạo được vẻ đẹp trường tồn cho công trình… Do đó, Công ty GENSLER đã đưa ra ý tưởng hình khối - là sự giao thoa của văn hóa, lịch sử lâu đời của TP.HCM trong bối cảnh dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế.


Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ. ẢNH: ĐÌNH PHÚ CHỤP LẠI TỪ TRIỂN LÃM


Hình khối công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM nhìn từ phía đường Lý Tự Trọng. ẢNH: ĐÌNH PHÚ CHỤP LẠI TỪ TRIỂN LÃM

Hạ ngầm 2 tầng làm việc dưới mặt đất

Công trình kiến trúc mới là tòa nhà 4 tầng hầm, 6 tầng nổi bao gồm tất cả các phân khu chức năng làm việc, tiếp dân, đón khách, thư viện, hội trường, tham quan…
Về bố cục, một trong những ý tưởng táo bạo của đồ án thiết kế là hạ ngầm 2 tầng làm việc dưới mặt đất, đưa sân vườn và ánh sáng tự nhiên xuống dưới lòng đất để giảm chiều cao công trình xây mới. Đặc biệt, tầng mái là sân vườn rộng lớn góp vào khoảng xanh cho TP, đồng thời còn là nơi lưu trữ nước mưa tái sử dụng vào việc chăm sóc sân vườn, cây xanh trong

tòa nhà. Mặt tiền tòa nhà được thiết kế “thông minh” với những thanh lam chắn nắng và lấy sáng có thể tự động điều chỉnh góc nghiêng theo hướng nắng nhằm bảo vệ tòa nhà khỏi bức xạ mặt trời, tiết kiệm năng lượng.

Các sảnh đón của khối nhà làm việc UBND, HĐND TP được bố trí trang trọng phía đường Pasteur, trong khi sảnh của các sở và tiếp dân được bố trí ở phía mặt đường Lý Tự Trọng. Tại tầng sân vườn trung tâm sẽ có một hội trường đa năng 800 chỗ, và một phòng họp cho HĐND TP khoảng 400 chỗ. Trung tâm điều hành “thành phố thông minh” sẽ được đặt tại đây, sát với trung tâm thông tin, thư viện để phục vụ công tác truy xuất dữ liệu dễ dàng.

Tại tòa nhà bảo tồn, sảnh đón tiếp khách quan trọng của tòa nhà cũ (khối nhà 86 Lê Thánh Tôn được bảo tồn nghiêm ngặt) vẫn được giữ nguyên, sẽ là nơi đón tiếp các đoàn khách đối nội, đối ngoại; phần còn lại sẽ là không gian triển lãm, trưng bày về lịch sử phát triển của tòa nhà trụ sở HĐND, UBND TP.HCM, đồng thời là nơi tổ chức sự kiện, đón người dân, du khách và học sinh tham quan.

Thiết kế mặt bằng chi tiết công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM. ẢNH: ĐÌNH PHÚ CHỤP LẠI TỪ TRIỂN LÃM

Khối nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn tuổi đời 129 năm tuổi được bảo tồn. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng bậc nhất của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Tăng tối đa tính năng tương tác

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho rằng trong rất nhiều phương án đề ra, phương án được chọn có một trong những đặc điểm quan trọng là công trình được thiết kế để tăng tối đa tính năng tương tác với người dân và tăng tối đa tính tương tác nội bộ, kết nối với không gian xanh của công viên Chi Lăng, công viên Bảo tàng Lịch sử cùng với trục đường hoa Nguyễn Huệ tạo thành điểm đến cho người dân.

Riêng về giải quyết vấn đề giao thông khu vực, song hành với các trục đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, mặt tiền công trình lùi sâu vào thêm 6m với 2 làn xe ô tô, vỉa hè dành cho người đi bộ có mái che…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, những ưu điểm nổi bật đó mục đích nhằm phát huy tối đa tính tương tác giữa kiến trúc với cộng đồng, xã hội, tạo điều kiện tốt hơn trong việc phục vụ dân, người dân tiếp cận dễ dàng, nhất là khi người dân đến làm việc, tham quan trụ sở.

Trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1; nằm ngay đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ) là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, được xây dựng từ năm 1889, đến nay đã 129 năm tuổi, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp.

Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp, hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của HĐND, UBND TP.HCM.

Năm 2015, sau khi tổ chức cuộc thi về ý tưởng sáng tạo phương án thiết kế khu trung tâm hành chính mới của TP.HCM, lãnh đạo UBND TP.HCM cơ bản thống nhất chọn phương án của một công ty Nhật Bản để làm đồ án thiết kế xây dựng trong thời gian tới.

Khu trung tâm hành chính mới của TP.HCM nằm trong ô phố Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng và Đồng Khởi. Khối công trình hiện hữu mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (dài từ Đồng Khởi đến Pasteur) sẽ được bảo tồn. Riêng dãy nhà phía sau và trụ sở các sở: GTVT, TT-TT, TN-MT sẽ được tháo dỡ để xây dựng mới, dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước với 95 phòng ban trực thuộc, tương lai có khoảng 1.700 người làm việc.

UBND TP.HCM thời gian qua đã nhiều lần họp bàn về kế hoạch xây dựng mới và nâng cấp công trình kiến trúc 129 năm tuổi nói trên để làm trung tâm hành chính mới. Tuy nhiên, thời điểm khởi công cụ thể đang chờ ý kiến quyết định của Thường trực Thành ủy TP.HCM.



DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên