Mở rộng Hà Nội: "Dự án sông Hồng vẫn cần thiết"

Cập nhật 15/05/2008 15:00

Với việc mở rộng Hà Nội về phía Tây, Dự án thành phố ven sông Hồng sẽ không còn ý nghĩa và khó khả thi?

Xung quanh vấn đề này, Báo giới đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Lân, Chủ tịch Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội.

* Vì sao đến thời điểm này, vẫn có nhiều ý kiến phản đối Dự án Thành phố hai bên sông Hồng, thưa ông?

Vấn đề quy hoạch Sông Hồng đã được chúng tôi đưa ra thảo luận cách đây 10 năm. Ngay sau đấy Thủ tướng đã có Quyết định số 108/1998 nêu rõ việc cần thiết phải sử dụng sông Hồng trong quy hoạch thành phố Hà Nội, không chỉ về mặt kinh tế xã hội mà cả khía cạnh văn hoá.

Về khía cạnh kinh tế, phía Bắc hiện có rất nhiều điều kiện phát triển, liên kết với các cảng Hải Phòng, Cái Lân, lại có sẵn sân bay Nội Bài và nằm trong tuyến hành lang Đông - Tây nối với Trung Quốc. Rõ ràng phía Bắc sông Hồng rất cần cho sự phát triển của Hà Nội.

Thế nhưng, đáng tiếc là đến tận bây giờ, nhiều người, đặc biệt là những người sống lâu năm tại Hà Nội, họ vẫn cho rằng, nếu xây dựng thành phố bên sông Hồng sẽ làm mất đi giá trị văn hóa, truyền thống của con sông cũng như của Hà Nội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, đã có chủ trương mở rộng thành phố về phía Tây thì không cần thiết phải xây dựng thành phố bên sông.

Nhiều người vẫn không biết rằng, khi quy hoạch, yêu cầu bảo tồn, giữ gìn những yếu tố văn hóa, lịch sử… sẽ phải được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, trên thế giới, việc xây dựng đô thị bên bờ sông đã rất phổ biến, hình ảnh rõ nhất là thành phố bên bờ sông Hàn của Hàn Quốc.

Việc xây dựng Hà Nội ôm lấy sông Hồng không phải ý tưởng quá mới đối với những người làm quy hoạch, song đối với nhân dân thì đây lại là ý tưởng quá mới. Vì vậy, theo tôi, những gì quá sốc hoặc mới mẻ khi được đưa ra cũng sẽ gặp rất nhiều ý kiến phản ứng, thậm chí không tin.

Còn sông Saine thì người Pháp đã phải đổ cát về làm bãi tắm. Sông Hồng có rất nhiều điểu kiện tốt để vừa trở thành một địa chỉ nghỉ ngơi, giải trí vừa tạo nên một vẻ đẹp cho Hà Nội. Vậy thì tại sao chúng ta lại không tận dụng.

* Nhưng trong quy hoạch phát triển vùng thủ đô, Hà Nội sẽ phát triển mạnh về phía Tây. Vậy dự án sông Hồng liệu có còn nhiều ý nghĩa, thưa ông?

Trước đây từng có rất nhiều dự án quy hoạch sông Hồng, kể cả làm rất nhiều nhà cao tầng để thu lợi cho thành phố. Nhưng như thế là phá sông Hồng chứ không phải xây dựng sông Hồng. Chúng ta không nghiêng vào việc tính toán kinh tế như thế, đưa sông Hồng vào lòng thành phố là để đảm bảo chất lượng phát triển và cuộc sống của Hà Nội tăng lên, nhưng không phá vỡ cảnh quan của dòng sông to đẹp này.

Theo quy hoạch mở rộng sắp tới, Hà Nội sẽ kéo dài từ Cổ Loa lên Sóc Sơn, thậm chí sang cả đầm Vân Trì. Cách đây 100 năm, người Pháp cũng đã từng có ý định xây dựng Hà Nội hướng mặt ra sông. Vì vậy, kể cả khi phát triển thành phố về phía Tây thì sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kiến trúc, cảnh quan của Hà Nội.

Dù trong tương lai, Hà Nội phát triển về phía Tây thì sông Hồng vẫn rất có tác dụng. Chúng ta không thể quay lưng lại với sông Hồng, dù mở ra phía Tây vẫn phải ôm sông Hồng vào lòng.

* Nhưng cũng vì Hà Nội phát triển về phía Tây nên nhiều lo ngại cho rằng, việc huy động 7 tỷ USD sẽ khó khăn hơn nhiều nếu Hà Nội phát triển về phía Đông?

Chúng ta cứ luẩn quẩn mãi vấn đề không có vốn, nhưng khi có quy hoạch rồi, chắc chắn sẽ kêu gọi được đầu tư (tất nhiên nếu chúng ta cho nhà đầu tư thấy được cái lợi khi đầu tư vào dự án).

Để quy hoạch Hà Nội hợp lý, việc đưa sông Hồng vào Hà Nội là cần thiết, còn làm cái gì, như thế nào là bước hai. Đây mới chỉ là ý tưởng của giai đoạn một, tôi nghĩ chúng ta không nên vội vàng phê phán.

Khi đưa ra ý tưởng, tất nhiên nhà đầu tư đã có tính toán kỹ về việc có đầu tư được hay không, họ không dại gì đem tiền ném qua cửa sổ. Còn việc cần làm với chúng ta là sáng suốt lựa chọn các nhà đầu tư, làm thế nào để có công trình, nhưng không phá vỡ cảnh quan sông Hồng.

* Một dự án lớn như vậy liệu có khả thi, khi tình trạng chung của nhiều công trình lớn nhỏ ở Việt Nam vẫn thường chậm tiến độ, thậm chí “treo”?

Đúng là từ trước tới nay chúng ta vẫn hay có tình trạng “quy hoạch treo”, bởi vì khi thiết kế nhưng không nghĩ đến ai sẽ làm. Nhưng bây giờ, mỗi khi quy hoạch thì bắt buộc phải nghĩ đến kêu gọi đầu tư, tính toán các điều kiện để nhà đầu tư vào ra sao.

Khi quy hoạch Hà Nội vào năm 1998, các Bộ trưởng và quan chức của ta đi kêu gọi đầu tư (dẫu chưa có dự án). Việc Hàn Quốc đưa ra dự án 7 tỷ USD cho thành phố hai bờ sông cũng là do ta kêu gọi đầu tư. Theo tôi biết, các nhà đầu tư đã rất sẵn sàng về nguồn vốn cho dự án.

* Nhưng nếu dự án khởi động sẽ có rất nhiều bài toán khó cho các nhà quản lý, như di dời hàng vạn dân, ùn tắc giao thông…Theo ông, liệu chúng ta có giải quyết được không?

Vấn đề giao thông không chỉ ngành giao thông xử lý được, mà quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch. Nếu chúng ta kéo phát triển ra ngoài nội đô, bố trí quy hoạch hợp lý, thay vì tạo con lắc giao thông như hiện nay, chắc chắn sẽ giảm được ùn tắc.

Còn chuyện di dân thì chúng ta cũng đã tính toán và lấy ý kiến nhân dân rồi. Đại đa số dân ở đây cho rằng sẽ đồng ý di dời nếu mọi việc đều hợp lý và hợp lòng dân.

* Theo ông thì tính khả thi của dự án đến đâu và liệu người dân liệu có đủ yên tâm để mơ về thành phố hai bên bờ sông không?

Với quyết tâm cao tôi nghĩ là chúng ta sẽ làm được. Tất nhiên quá trình thực hiện dự án sẽ có rất nhiều yếu tố biến động cả về kinh tế, chính trị và chắc chắn sẽ không ít tranh cãi như một vài tờ báo lại nêu ý kiến, ông nọ ông kia phát biểu…

Thật lạ là có những việc gần như đã quyết định rồi, nhưng lại móc ra để bàn, hoàn toàn không cần thiết.

*Nhưng thưa ông, người dân có quyền bày tỏ quan điểm và họ nên được hỏi ý kiến trước khi cơ quan chức năng có quyết sách cuối cùng?

Đúng là cần phải làm đầy đủ các bước như thế và thực tế đã có các cuộc trưng bày và trưng cầu ý kiến của hội đồng nhân dân. Song cũng cần phải xem xét lại vấn đề, với những người dân có tinh thần xây dựng rất đáng quý, nhưng chẳng hạn với những anh bị mất đất khi có dự án, đương nhiên tiếng nói phản hồi của họ cũng khác.

Quan trọng nhất là Nhà nước phải có quyết định sáng suốt và quyết đoán, điều gì cần làm thì nên làm.

Theo VnEconomy