Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, nếu sân bay mới cách trung tâm Đà Nẵng 100km thì các tập đoàn quốc tế sẽ không đặt vị trí ở TP này nữa. Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, sân bay quốc tế mới của Đà Nẵng nên là Trảng Nhật!
Sân bay cách trăm km thì các tập đoàn quốc tế sẽ bỏ Đà Nẵng?
Như tin đã đưa, tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức sáng 8/9, vấn đề có nên di dời sân bay Đà Nẵng hay không, di dời như thế nào đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại hội thảo (Ảnh: HC)
|
Bên cạnh các ý kiến đề xuất lấn biển ở mõm cuối bán đảo Sơn Trà, xây sân bay mới để di dời sân bay Đà Nẵng, hoặc chuyển sân bay Đà Nẵng vào Chu Lai (Infonet đã đưa tin) thì cũng có những ý kiến cho rằng không nên đặt vấn đề di dời sân bay Đà Nẵng, hoặc nếu di dời thì không nên đưa sân bay Đà Nẵng vào tận Chu Lai.
Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn (tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ khoa học tại Đại học Washington và văn bằng Thạc sĩ tại Đại học California ở Berkeley, Mỹ), một chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, hiện đang làm việc tại Bắc Mỹ và Việt Nam, từng cùng KTS Kathrin Moore tham gia thiết kế Khu đô thị Nam Sài Gòn và là đồng Chủ nhiệm đề án nghiên cứu tầm nhìn quy hoạch cho Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030.
Cho biết mình đang cộng tác với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, phối hợp với Sở KH-ĐT Đà Nẵng, Trung tâm Tư vấn – Nghiên cứu phát triển miền Trung để nghiên cứu Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Đà Nẵng đến năm 2045, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn hết sức lưu ý lãnh đạo Đà Nẵng rằng, giai đoạn này họ đang đứng trước một số quyết định rất quan trọng mà nếu quyết định sai thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của TP.
“Có người nói quỹ đất Đà Nẵng đang dần cạn kiệt, nhưng thực sự từ trên máy bay nhìn xuống thì thấy rất lãng phí đất. TP phát triển như… cái bánh tráng, dàn trải, nhà phố như hộp diêm nên rất không hiệu quả… Khi nói quỹ đất dần cạn kiệt thì có người đang có xu hướng lấp đầy các không gian xanh còn sót lại. Ví dụ như muốn lấp đầy bán đảo Sơn Trà, làm cái đảo ngay giữa vịnh Đà Nẵng, hay di dời sân bay Đà Nẵng để làm quỹ đất đô thị.
Với kinh nghiệm quốc tế của mình, tôi xin các vị lãnh đạo Đà Nẵng hãy rất cẩn trọng đối với vấn đề này. Bởi vì đó là những không gian xanh quý báu còn sót lại mà nếu chúng ta không bảo tồn thì trong tương lai, nếu Đà Nẵng phát triển lên 3 – 5 triệu dân sẽ không có một không gian xanh nào tương xứng với quy mô đô thị!” – TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Đặc biệt, với sân bay Đà Nẵng, ông cho rằng nhiều nhà chuyên môn khi thấy một sân bay trong đô thị thì phản ứng đầu tiên rất tự nhiên là… muốn di dời. Tuy nhiên ở tầm chiến lược, cần thấy nếu di dời thì phải dời đến vị trí tốt hơn chứ không thể tới vị trí kém hơn. Hiện có một số người đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng vào Chu Lai, nhưng đứng ở tầm nhìn chiến lược thì đó không phải là một đề xuất tốt.
“Bởi vì sân bay Chu Lai cách Đà Nẵng 100km. Nếu Đà Nẵng chỉ có một sân bay và là sân bay cách 100km thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hấp dẫn của TP hạt nhân, động lực này trong tương lai. Các tập đoàn quốc tế sẽ không bao giờ đặt vị trí ở đây nữa, vì sân bay cách cả trăm km thì họ không hoạt động được!” – TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Điều may mắn, theo ông, mặc dù thời gian qua sự phát triển của Đà Nẵng có phần vượt quá tầm quản lý quy hoạch nhưng khu vực quanh sân bay chưa phải đã bị phá hỏng. Do vậy vẫn còn kịp để phát triển khu vực này theo mô hình “đô thị sân bay”. Có nghĩa quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị không tách rời mà phải đi chung với nhau.
Ths. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, trao đổi với các đại biểu dự hội thảo! (Ảnh: HC)
|
“Có phải Đà Nẵng mấy chục năm qua cũng làm giống như TP.HCM, tức là quy hoạch sân bay do Bộ GTVT làm, quy hoạch khu vực chung quanh là TP làm, và hai đơn vị này không hề cộng tác với nhau, thành ra không ăn khớp với nhau? Nay cần phải làm khác đi, quy hoạch sân bay và khu vực chung quanh phải là một quy hoạch thống nhất được hai bên cùng duyệt. Đó là quan hệ “đô thị sân bay” tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Singapore cũng đang chuyển sân bay Changi theo hướng “đô thị sân bay”. Vì vậy tôi đề nghị phải hết sức cẩn trọng với đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng. Tôi nghĩ rằng dời sân bay cũng có thể tốt với điều kiện chúng ta có một vị trí sân bay thay thế cách trung tâm Đà Nẵng 40 – 50km là tối đa, chứ 100km thì không nên chút nào hết. Với vị thế của Đà Nẵng hiện nay, làm bất cứ dự án nào cũng cần phải nhìn ở cấp độ toàn cảnh, nhất là với những dự án có ảnh hưởng đến tương lai phát tiển của TP!” – TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Mở sân bay quốc tế Đà Nẵng tại Trảng Nhật – Tại sao không?
Theo Chủ tịch VUPDA Trần Ngọc Chính, sân bay Đà Nẵng hiện nay nằm giữa trung tâm nên ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TP. Trong quá trình làm quy hoạch Đà Nẵng hàng chục năm qua, ông và các nhà quy hoạch từng đưa ra phương án chuyển sân bay Đà Nẵng vào khu vực Trảng Nhật (xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam).
“Trước đây người Mỹ cũng từng có ý định chuyển sân bay Đà Nẵng vào Trảng Nhật, nhưng qua nghiên cứu chúng tôi thấy rất khó khăn giải phóng mặt bằng!” – ông Trần Ngọc Chính nói. Tuy nhiên qua trao đổi với PV Infonet, Ths. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng lại hết sức ủng hộ di dời sân bay Đà Nẵng vào Trảng Nhật mà ông cho đây là hướng xử lý đúng nhất, khả thi nhất so với đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng ra biển hay vào Chu Lai.
“Thứ nhất, sân bay trong đô thị không có vấn đề gì cả, ở nhiều nước khác vẫn vậy. Nếu làm sân bay khác thì vẫn giữ sân bay này chứ không phải để lấy đất. Thứ hai, nếu cần phải mở sân bay mới thì vẫn giữ sân bay này, cái phục vụ quốc tế, cái phục vụ quốc nội. Và sân bay quốc tế mới của sân bay Đà Nẵng chỉ có thể là ở Trảng Nhật.
Không chỉ người Mỹ sau này mà tư duy của người Nhật cách đây 100 năm đã định hình mở sân bay Trảng Nhật rồi. “Trảng” là sân bay, “Nhật” là người Nhật, nên từ đó mà có địa danh Trảng Nhật. Và tất cả những điều này, từ sân bay quốc tế mới cho tới Làng Đại học Đà Nẵng chỉ có thể thành hiện thực khi mở rộng địa giới hành chính Đà Nẵng vào tới bờ Bắc sông Thu Bồn!” – ông Bùi Văn Tiếng nói.
Theo ông, đặt vấn đề “tư duy vùng” trong việc di dời sân bay Đà Nẵng là phải đứng chân trên cơ sở lợi ích quốc gia, cụ thể là đảm bảo vai trò “hạt nhân”, “động lực” của Đà Nẵng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã nêu, chứ không phải để xóa vai trò cửa ngõ giao thông quốc tế của toàn vùng của TP này. Thế thì tại sao không làm điều như người Nhật, người Mỹ đã nghĩ tới là lấy Trảng Nhật làm sân bay quốc tế, chỉ cách sân bay Đà Nẵng hiện nay 10km?
“Hơn nữa, điều quan trọng trong thời đại “chiến tranh bấm nút” hiện nay là chỉ sau 5 phút phát động chiến tranh thì các sân bay ven biển như Chu Lai, Nước Mặn hay Phù Cát…liền bị ngoài biển khống chế hoàn toàn, không cất cánh được. Kể cả thôi dân sự, chuyển về quân sự cũng bỏ luôn.
Nên sân bay Đà Nẵng mới chỉ có ở trong vùng núi và không quá xa trung tâm mới có thể đảm bảo hoạt động cả trong các tình huống bất lợi. Nếu sân bay quốc tế mới của sân bay Đà Nẵng đặt ở Trảng Nhật sẽ đáp ứng điều đó. Tình hình của nước mình khác, chứ đừng so với Hồng Kông, Singapore… Họ không phải là khu vực có thể xảy ra chiến tranh!” – ông Bùi Văn Tiếng nói.
DiaOcOnline.vn - theo Infonet.vn