Năm 2008, sau rất nhiều tranh luận, cuối cùng chủ trương cho phép tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã trở thành hiện thực.
Với việc ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12, Quốc hội lần đầu tiên chính thức cho phép việc này, và sau đó không lâu, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện. Chính sách mang tính cởi mở này được hy vọng sẽ làm cho thị trường bất đọng sản sôi động hơn cũng như tạo điện kiện cho người nước ngoài đang làm ăn sinh sống ở Việt Nam.
Phía trước tòa tháp Keangnam tại Hà Nội.
|
Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trước Tết âm lịch vừa qua, mới chỉ có 296 trường hợp cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo đường chính thống, nghĩa là có sự đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý. Đáng chú ý là trong số này, hầu hết là cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, rất ít cá nhân người nước ngoài mua được nhà tại Việt Nam.
Lý giải về sự trầm lắng này, một số chuyên gia đã lên tiếng về việc các quy định hiện hành trong vấn đề này là quá chặt chẽ, chẳng hạn như việc tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ chung cư mà không được sở hữu nhà riêng lẻ. Với quy định luật pháp hiện nay thì không mấy ai mua nhà ở Việt Nam theo đường danh chính ngôn thuận cả, mà có mua thì phần đông đứng tên người trong gia đình, bởi vì quy định của luật pháp quá cứng nhắc, nhiêu khê. Ví như một người nước ngoài phải đi làm, cả năm mới được nghỉ vài tuần phép, làm gì có thời gian để về sống tại Việt Nam 3 tháng cho đủ điều kiện cần thiết để có thể mua một căn hộ.
Theo quy định hiện hành: Để chứng minh thuộc đối tượng được mua, thừa kế, tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân người nước ngoài phải có khá nhiều loại giấy tờ và phải chứng minh khá nhiều thứ như phải có tên trong giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương ứng còn thời hạn từ 1 năm trở lên hoặc có giấy chứng minh là thành viên hội đồng quản trị, hội đồng quản lý của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có hợp đồng thuê giữ chức danh quản lý hoặc có quyết định bổ nhiệm được lập bằng tiếng Việt.
Người vào Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục - đào tạo... thì phải có văn bằng chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, kèm theo giấy phép lao động hoặc giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp…
Có ý kiến cho rằng, nhà, đất là bất động sản thì không chuyển đi đâu được, nhưng tiền mua bất động sản là tiền thật. Nhà nước nên tạo điều kiện thông thoáng hơn để người nước ngoài mua nhà, đất, để tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản trong điều kiện khan hiếm vốn như hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công lý