Người dân và doanh nghiệp hy vọng nhà nước có cơ chế ưu đãi mạnh mẽ nhằm phát triển phân khúc nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu thị trường
Tổng Công ty Viglacera vừa khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội cho thuê đầu tiên tại Hà Nội với 270 căn tại khu đô thị Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm), dự kiến sẽ bàn giao nhà vào ngày 30-4-2015.
Viglacera dự tính giá cho thuê loại nhà ở nêu trên khoảng 30.000 đồng/m2/tháng, so với đơn giá cho thuê ngoài thị trường rẻ hơn 40%-60%. Ngoài ra, phí dịch vụ khoảng 2.000 đồng/m2/tháng cũng rẻ hơn nhiều so với thị trường. Thời hạn cho thuê là 5 năm. Sau 5 năm, công ty sẽ bán lại cho các hộ thuê căn hộ theo giá nhà ở xã hội do Sở Tài chính Hà Nội quy định.
Chung cư Đặng Xá - Gia Lâm
|
Theo doanh nghiệp (DN) này, để có giá cho thuê rẻ như vậy, họ phải lấy lãi từ phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở xã hội bù lỗ nhà ở cho thuê, bảo đảm lợi nhuận của DN ở cả 3 loại hình này không quá 10%. “Chính vì loại hình nhà ở xã hội cho thuê không có lãi nên các DN không mặn mà” - đại diện Viglacera cho biết.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, cho rằng nếu đầu tư vào loại hình nhà cho thuê theo cơ chế chính sách như hiện nay, tiền thu về không đủ bù đắp vốn bỏ ra, còn vốn vay thì không thể trả được nợ. “Đầu tư nhà thương mại rồi bán, DN có thể thu được tiền trước của khách hàng để xây dựng, còn xây nhà cho thuê thì phải đầu tư xây xong toàn bộ mới cho thuê, lúc này mới bắt đầu thu hồi vốn nên DN ngại làm” - ông Nghĩa so sánh.
Thực tế, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... đã có hình thức nhà ở cho thuê nhưng số lượng rất khiêm tốn, chủ yếu thực hiện bằng ngân sách nhà nước, DN tư nhân chưa tham gia.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận các DN đầu tư xây dựng nhà cho thuê là “đầu tư tiền tấn, thu tiền xu hằng tháng”. “Đầu tư vào loại hình này cần nguồn lực lớn, thời hạn được vay vốn dài, những điều này nhà nước phải hỗ trợ thì DN mới làm được” - ông Nam nhìn nhận.
Nhu cầu thuê nhà ở xã hội tại các TP lớn đang hết sức lớn. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư và người có nhu cầu thuê có thể “gặp nhau” lại không hề dễ bởi những rào cản về điều kiện được thuê nhà.
“Người thuê nhà xã hội phải đáp ứng các điều kiện như đối tượng mua nhà thu nhập thấp, tức phải là hộ gia đình có xác nhận khó khăn về nhà ở tại nơi cư trú hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ 1 năm trở lên và đóng BHXH tại địa phương (nơi có nhà ở cho thuê). Còn đối tượng chưa có gia đình và đang tạm trú lại không đủ điều kiện xác nhận thực trạng nhà ở” - anh Nguyễn Văn Dũng, nhân viên văn phòng đang thuê nhà ở Hà Nội, than phiền.
Thực trạng nêu trên không chỉ khiến người dân có nhu cầu khó tiếp cận nhà ở xã hội cho thuê mà phía DN cũng ngần ngại đầu tư vì lo xây dựng xong không có khách đủ điều kiện thuê. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định với việc Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua thì chính sách dành cho đầu tư loại hình nhà ở này sắp tới sẽ cụ thể hơn, khuyến khích lớn hơn. Quy định các DN phải dành 20% quỹ nhà ở để cho thuê đã được luật hóa thành yêu cầu bắt buộc...
Ngoài việc mở rộng đối tượng, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thủ tục để đăng ký thuê nhà cũng cần gọn nhẹ hơn, như sinh viên thì chỉ cần có thẻ sinh viên.
DiaOcOnline.vn - Người Lao động