Để xác định mô hình Kiến trúc sư trưởng TP (KTST), Bộ Xây dựng cũng đã có những nhìn nhận, đánh giá về mô hình KTST đã từng được áp dụng tại Hà Nội và TP HCM vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Qua đó, đề án của Bộ đã xác định nguyên tắc cho mô hình KTST mới - không phải là bộ máy thực hiện công việc hành chính.
Cùng với công cuộc cải cách và mở cửa, Việt Nam có những thay đổi cơ bản. Những nguyên tắc xây dựng đô thị truyền thống bị đảo lộn (trong nền kinh tế kế hoạch tập trung, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động xây dựng), trật tự KT bị phá vỡ, việc quản lý xây dựng đô thị trở nên khó khăn, phức tạp. Học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, các nhà quản lý xây dựng đô thị đã nghiên cứu đề xuất hình thức quản lý KTST TP. Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai thí điểm mô hình KTST ở Hà Nội và TP.HCM với chức năng: KTST là đầu mối sử dụng đất bao gồm giới thiệu địa điểm, thẩm định và giao đất…; là đầu mối quản lý xây dựng bao gồm thoả thuận KTQH, cấp phép xây dựng…; là đầu mối quản lý QH xây dựng gồm lập, thẩm định và điều chỉnh QH…
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của mô hình KTST, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại rất nhiều vấn đề. Sau một thời gian hoạt động, mô hình KTST đã bị hành chính hoá, hoạt động như một cơ quan hành chính nhà nước. Thực chất, Văn phòng KTST trở thành cơ quan hành chính sự nghiệp về KT, QH với rất nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Chức năng tham mưu về chuyên môn của KTST không còn là nhiệm vụ chủ yếu mà chỉ còn ở một chừng mực nhất định. Cá nhân KTST làm việc như một công chức (thể hiện qua việc cấp phép xây dựng, thoả thuận địa điểm xây dựng, thoả thuận KTQH…), không còn nhiều thời gian để thực hiện chức năng chính là tham mưu.
KTST là người thực hiện đồ án QH nhưng lại có chức năng điều chỉnh QH làm phát sinh nhiều bất cập. KTST được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhằm đề cao vai trò và được hưởng ngạch lương tương đương với phó chủ tịch UBND TP nhưng chức danh này lại chưa tương thích cơ cấu tổ chức cán bộ trong hệ thống hành chính của UBND TP vào thời điểm đó. Vì vậy, đôi lúc xuất hiện sự thiếu đồng thuận trong việc giải quyết công việc giữa KTST và một số cơ quan trong chính quyền đô thị.
Do có những bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng thí điểm áp dụng mô hình KTST và chuyển đổi một số chức năng của Văn phòng KTST về Sở QH - KT được thành lập sau đó và Sở Xây dựng. Đến nay, trên cả nước cũng chỉ có hai TP lớn có Sở QH - KT bên cạnh Sở Xây dựng và hoạt động đúng với chức năng của cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đề án của Bộ Xây dựng, có hai mô hình. Mô hình thứ nhất, KTST là chuyên gia tư vấn đề KT, QH, là đầu mối tập hợp các nhà chuyên môn, tư vấn tham mưu cho chính quyền đô thị trong việc chỉ đạo xây dựng và phát triển QHKT và là Chủ tịch Hội đồng KT - QH TP. Ưu điểm của mô hình này là KTST với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn, hội đồng KTQH sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tư vấn về chuyên môn và đề xuất các định hướng phát triển về KTQH cho chính quyền đô thị. Mô hình thứ hai, KTST là người đứng đầu cơ quan quản lý KT - QH, xây dựng đô thị. Nhược điểm của mô hình này là người đứng đầu cơ quan quản lý KT - QH sẽ phải giải quyết nhiều công việc hành chính, không có nhiều thời gian nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ tham mưu về chuyên môn cho chính quyền đô thị. Do vậy, đề án đi sâu vào nghiên cứu đề xuất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn KTST theo mô hình thứ nhất với nguyên tắc KTST không phải là bộ máy thực hiện công việc hành chính.
Theo Kinh Tế & Đô Thị