Tiếng chuông điện thoại cơ quan vang lên dồn dập, ông Huỳnh Hoàng, quyền Giám đốc Xí nghiệp Khai thác thủy lợi Phú Ninh (Quảng Nam), nhận được tin dữ: có thêm 1 điểm rò rỉ nữa, nước đục đang phun ra… Quay một hồi, ông vã mồ môi, hấp vội ngụm nước chè, lo lắng: Nếu đê công trình thủy lợi vỡ, cả TP Tam Kỳ với hàng triệu nhân khẩu bị cuốn trôi mất.
Hồ Phú Ninh đe dọa thành phố Tam Kỳ
Tôi đi dài theo tuyến kênh chính Bắc 47km của công trình đại thủy nông Phú Ninh vào đúng cơn mưa chiều những ngày đầu tháng 7. Những vạt nước như “đè” thêm gánh nặng lên “đôi vai” vốn đang oằn mình vì những điểm sạt lở, rò rỉ nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Hồ Phú Ninh là công trình thủy nông trọng điểm quốc gia có sức chứa gần 500 triệu m3 nước, ngoài cung cấp nước sản xuất cho khoảng 23.000ha diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nước sinh hoạt cho TP Tam Kỳ và các vùng lân cận, còn làm nhiệm vụ điều tiết nước từ thượng nguồn…
Do được đắp bằng đất nên 30 năm sau ngày đưa vào sử dụng, bờ kênh bị thấm nhiều, gần như thấm bão hòa (mực nước trong hồ bằng mực nước ngấm bên ngoài), ngoài những điểm rò rỉ, sạt lở đã được khắc phục, hiện đã xuất hiện trên 10 đoạn nữa đang trong tình trạng tương tự gây nguy cơ tiềm ẩn vỡ đê. Vậy nhưng, đơn vị quản lý và chính quyền tỉnh Quảng Nam, do kinh phí khắc phục quá lớn, nên chỉ thủng chỗ nào, vá chỗ ấy. Không ai dám chắc là mùa mưa bão năm nay, tuyến đê khu vực này sẽ không bị vỡ. Ông Huỳnh Hoàng lo lắng nói: “Lực bất tòng tâm anh ạ, phải xin kinh phí hỗ trợ từ Trung ương để gia cố kiên cố luôn, chứ địa phương… “bó tay”; phải chặn đứng tình hình phá rừng phòng hộ, chứ cứ diễn ra thế này, e chưa mưa bão lá chắn của hồ đầu tiên đã bị đánh thủng”.
Tàu thuyền chờ vũng neo đậu
Im ắng trên công trình xây dựng vũng neo
đậu Tịnh Hòa, sắt thép đã bị ăn mòn, hoen rỉ...
Hàng trăm tàu thuyền ở Quảng Ngãi năm nay “hết” nơi trú ẩn.
Với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng, dự án vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) sẽ được đưa vào sử dụng đầu năm 2006. Thế nhưng, đến thời điểm này, trong khi bà con ngư dân đang không có chỗ neo đậu tàu thuyền lúc bão gió, thì toàn bộ dự án đang thi công bỗng… lặng im như tờ từ mấy tháng nay; sắt thép, máy móc vứt ngổn ngang đã bắt đầu bị ăn mòn, hoen gỉ.
Hai nhà thầu chính thuộc gói thầu 14 của dự án là Công ty Tư vấn xây dựng công trình đường thủy 1 và Công ty 532 không có một động thái nào chứng tỏ sẽ tiếp tục thi công, khiến người dân địa phương không khỏi lo âu. Trước đây, vũng neo đậu Tịnh Hòa đã từng là nơi neo trú tàu thuyền an toàn của bà con ngư dân trong vùng. Nhưng kể từ khi được khởi công xây dựng thì 3 năm qua, mỗi khi gặp bão gió trên biển, bà con ngư dân không thể đưa phương tiện vào trú ẩn do công trình luôn trong tình trạng ngổn ngang.
Được biết, mới đây, chủ đầu tư của dự án cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã cắt hợp đồng thi công với 2 nhà thầu trên do năng lực tài chính của 2 đơn vị này không thể đáp ứng. Trong khi mùa mưa bão đã cận kề, lại bị UBND tỉnh đốc thúc, chủ đầu tư đang phải “vắt chân lên cổ” đi tìm các nhà thầu mới để tiếp tục thi công. Và như vậy, đồng nghĩa với việc, mùa mưa bão năm nay, hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân trong vùng vẫn sẽ thiếu nơi tránh bão.
Nếu như đất liền nguy hiểm một khi mùa mưa bão đến thì ở đảo, nguy hiểm gấp 10. Biết trước những hiểm họa đó, Dự án vũng neo đậu tàu thuyền và khu dịch vụ hậu cần đảo Lý Sơn, thuộc chương trình Biển Đông hải đảo (do Sở Thủy sản Quảng Ngãi làm chủ đầu tư), được xây dựng tại thôn Đông, xã An Hải, có sức chứa 500 phương tiện công suất từ 200 CV trở lại trên diện tích 40,28ha, vốn đầu tư gần 55,6 tỷ đồng. Tiến độ đề ra sẽ hoàn thành toàn bộ dự án là tháng 9-2006.
Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn một năm, mới chỉ gói thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư, rà phá bom mìn đã hoàn thành. Còn gói thầu số 4, thi công khu đê Đông trị giá trên 16 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng, trong số 14km dọc bờ biển bị sạt lở, mới thi công được 1,2km. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, đã chỉ đạo nhà thầu, chủ đầu tư bằng mọi biện pháp hạn cuối phải xong vào ngày 30-8 đưa vào sử dụng trước mùa mưa, bão năm nay. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra, thì... không ai có thể nói trước được điều gì.
Hà Minh - Theo Sài Gòn Giải Phóng