Metro TPHCM dần rõ nét

Cập nhật 27/04/2015 15:21

Bên cạnh xe buýt, metro là phương tiện vận tải công cộng cỡ lớn được chính quyền và Nhân dân TPHCM đặt nhiều kỳ vọng nhằm hóa giải tình trạng ùn tắc giao thông lâu nay. Trong tổng số 7 tuyến metro theo quy hoạch, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã được khởi công xây dựng, hình hài dần rõ nét và dự kiến đưa vào khai thác trong 5-7 năm tới.

Tuyến metro số 1 được TPHCM khởi công ngày 28-8-2012. Đây là tuyến metro đầu tiên tại TPHCM và cũng là tuyến metro đầu tiên ở Việt Nam. Dự án được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng Việt Nam, do UBND TPHCM làm chủ đầu tư, 2 nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) và Cienco 6 thực hiện thi công. Tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km đi qua địa bàn các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và phần cuối tuyến thuộc tỉnh Bình Dương (thị xã Dĩ An). Trong đó, đoạn tuyến đi ngầm 2,6km, đoạn đi trên cao 17,1km.

Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt năm 2007 là 17.387 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản hơn 14.400 tỷ đồng (104,9 tỷ yen) và 2.972 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam. Đến tháng 9-2009, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 236,62 tỷ yen (47.325,2 tỷ đồng). Ngày 7-7-2014, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 236,62 tỷ yen, tương đương 54.006 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA Nhật Bản 209,16 tỷ yen (48.515 tỷ đồng), vốn đối ứng 27,45 tỷ yen (5.492 tỷ đồng).

Hiện nay, hàng trăm công nhân đang thi công hệ thống bệ đỡ đoạn qua sông Sài Gòn, dọc xa lộ Hà Nội; đào hố, tường vây, đưa lồng thép xuống đoạn đi ngầm phía trước UBND TP. Tính đến thời điểm này, đoạn đi trên cao thuộc gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot dài 17,1km, từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương), do nhà thầu Liên danh Sumitomo - Cienco 6 làm tổng thầu, đã thi công đạt khối lượng khoảng 30%. Mới đây, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã tổ chức cho người dân tham quan và góp ý mô hình đoàn tàu điện ngầm tuyến số 1. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, dự kiến metro số 1 sẽ hoàn thành, vận hành vào năm 2020.

Cùng với việc tổ chức thi công đại trà tuyến metro số 1, hiện tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang được triển khai khẩn trương. Ngày 15-1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư dự án) đã tiến hành khởi công tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot (nhà ga và trạm bảo trì) Tham Lương thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2. Tòa nhà văn phòng có quy mô 1 tầng hầm và 8 tầng khối tháp; tổng giá trị xây dựng 173 tỷ đồng và thi công trong thời gian 18 tháng.

Chức năng của tòa nhà văn phòng này phục vụ chủ yếu cho công tác điều hành, quản lý mọi hoạt động của tuyến tàu điện ngầm số 2 trong quá trình vận hành, bảo dưỡng khi tuyến tàu điện ngầm số 2 đi vào hoạt động. Trước đó, vào tháng 8-2008, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã thi công hạng mục tường rào, nhà bảo vệ và san lấp mặt bằng depot Tham Lương tại quận 12. Sau 6 năm xây tường rào và san lấp mặt bằng, đến nay hạng mục chính mới được xây dựng.


TPHCM đã tổ chức cho người dân tham quan và góp ý mô hình đoàn tàu điện ngầm tuyến số 1. Ảnh: MINH TUẤN

Tuyến metro số 2 dài gần 20km, điểm đầu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe Tây Ninh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 chỉ  xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11km. Theo đó, đoạn này bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1), đi ngầm 9,3km theo đường Cách Mạng Tháng 8, trước khi chạy lên mặt đất tại quận Tân Phú và chạy dọc đường Trường Chinh để nối vào khu depot ở quận 12.

Tổng vốn đầu tư của dự án 1,37 tỷ USD, trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á  (ADB) cho vay 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho vay 313 triệu USD và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho vay 195 triệu USD. Số còn lại trên 326 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Tuy nhiên, do dự án phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư dự án có thể sẽ tăng lên hơn 2,1 tỷ USD. Dự kiến, metro số 2 sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2022.

Ngoài tuyến metro số 1 và số 2, TPHCM đang tiếp tục kêu gọi tài trợ vốn và hoàn thiện thủ tục pháp lý nhằm chuẩn bị đầu tư các tuyến metro tiếp theo. Cụ thể, tuyến metro số 3a (giai đoạn 1 từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây; giai đoạn 2 kéo dài đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đã được UBND TP đề xuất Bộ Kế hoạch - Đầu tư đăng ký sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2014-2016 cho dự án. Tuyến 3b: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước. Tuyến metro số 4 được chia làm 2 tuyến là 4a (từ Thạnh Xuân, quận 12 - Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) và 4b (ga Công viên Gia Định - Sân bay Tân Sơn Nhất - ga Lăng Cha Cả) đang được nghiên cứu.

Tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục để đăng ký các khoản hỗ trợ kỹ thuật và khoản vay từ nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án của các nhà tài trợ. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2015 đến năm 2022. Giai đoạn 2 (từ Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc, huyện Bình Chánh) dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2024. Hiện nay Anh và Hàn Quốc bày tỏ quan tâm đầu tư giai đoạn 2. Tuyến metro số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) đang được Ban quản lý Đường sắt TP hoàn chỉnh thiết kế cơ sở.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư