"Chính phủ cần có một quan điểm xử lý rõ ràng mạnh tay hơn, nên kiểm tra đánh giá lại các nguyên nhân gây đội giá tại các tuyến Metro"
* Trong công văn do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Văn Trung ký gửi Văn phòng Chính phủ, đã thể hiện sự quan ngại lớn liên quan suất đầu tư cao bất thường của tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương của TP.HCM, dự kiến lên tới 171 triệu USD/km (đã trừ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng), nếu so với mặt bằng chi phí đầu tư của các nước như Pháp, Hàn Quốc thì cao hơn 1,9 lần. Hơn nữa, tổng mức đầu tư của Dự án vẫn sẽ tăng từ 1.374,5 triệu USD lên 2.074,8 triệu USD.
Bên cạnh đó, dự án không có các tài liệu chi tiết liên quan đến tổng mức đầu tư, nên chưa đủ cơ sở để nhận xét cụ thể về sự cần thiết cũng như nội dung điều chỉnh. Quan điểm của ông ra sao trước những nhận xét và thông tin Bộ KH&ĐT đưa ra?
TS Phạm Sanh: - Cả 3 dự án metro 1,2 và 5 của TPHCM đều chậm tiến độ và điều chỉnh đội vốn lên khá cao, ngay cả dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội cũng vậy.
Khi đội vốn, các chủ đầu tư đều có giải thích các nguyên nhân giống nhau như trượt giá, tỷ giá, giải tỏa bồi thường, năng lực Nhà thầu, năng lực chủ đầu tư, thay đổi bổ sung thiết kế.
Với các dự án đầu tư xây dựng, chuyện trượt giá là chuyện bình thường, nhưng phải tính toán dự phòng rủi ro, nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư. Nhưng với các dự án metro TPHCM, trượt từ 150% đến 200%, mới 3 dự án đã tăng khoảng 2,5 tỷ đô la Mỹ, số tiền này còn cao hơn chi phí xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới Dubai chỉ khoảng 1,5 tỷ đô la.
Cuối cùng, dư luận đặt câu hỏi là các tuyến metro này hầu hết là dự án triển khai theo hình thức ODA, ngân sách chỉ bỏ ra một số vốn đối ứng, chủ yếu là đền bù mặt bằng, thì số tiền hàng chục ngàn tỷ bị đội giá đó ai sẽ là người phải gánh chịu, khách hàng khi sử dụng tuyến metro này hay chủ đầu tư nước ngoài đang bỏ tiền ra xây dựng?
Trong khi, các nguyên nhân đội giá đưa ra chưa thuyết phục và đây cũng chưa phải là con số cuối cùng.
Theo tôi, với chức năng giám sát đầu tư tham mưu cho Chính Phủ, ý kiến Bộ Kế hoạch đầu tư về điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án mero số 2 TPHCM là chính xác rõ ràng, rất đáng hoan nghênh về trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân.
* Việc dự án đường sắt Metro số 2 liên tiếp đội vốn và lùi thời hạn đến năm 2022, theo ông nguyên nhân là do đâu, thậm chí nó được đánh giá là tuyến Metro đắt nhất thế giới? Ông có thể phân tích cụ thể?
TS Phạm Sanh: - Ai có kinh nghiệm và kiến thức một chút về quản lý dự án đều có thể biết nguyên nhân của thực trạng này, nhưng theo tôi, nó do nhiều nguyên nhân, khách quan có chủ quan có, nhưng một trong các nguyên nhân chính gây ra chậm tiến độ và đội vốn, là năng lực chuyên môn và trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư quá kém.
Một dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp về công nghệ, mà quản lý không kiểm soát theo quá trình, toàn chờ nước tới chân mới nhảy, mới báo cáo, thậm chí chưa hiểu hết bản chất vấn đề kiểm soát chi phí dự án.
Tuyến đường sắt Metro số 2 tiếp tục đội vốn (Ảnh minh họa)
|