Những người ở nhà thuê tại Hà Nội đang méo mặt vì giá nhà tăng. Trong thời lạm phát, dường như mâu thuẫn giữa chủ nhà và người đi thuê khó được hoà giải bằng tình người…
Khổ vì thuê nhà
Phải đến 5 tháng nữa, chị Nhung (trú tại KTT Thành Công) mới đến hạn nộp tiền nhà, nhưng ngay từ những ngày đầu tháng 5, chủ nhà của chị đã “đánh tiếng” với hàng xóm là sẽ tăng giá thuê nhà khi bản hợp đồng mới được kí lại.
Chị Nhung than vãn: “Cách cư xử của bà chủ nhà thật quá đáng, tôi vẫn còn tiền nhà 5 tháng đã đóng kia mà. Thời buổi giá cả đắt đỏ, chủ nhà tăng tiền cũng là lẽ thường, nhưng ít ra cũng nên chờ khi hết hợp đồng.
Đó là chưa kể, trước đây, khi tôi ở được 3 tháng, chủ nhà đã tăng giá thuê nhà từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 1,7 triệu đồng/tháng mà không cho thương lượng”.
Chuyện thuê nhà của chị Nhung chỉ là một trong không ít nỗi bực mình của người đi thuê nhà khi bị chủ nhà “chèn ép”. Cũng tại KTT Thành Công, vợ chồng chị Hồng không chịu nổi cảnh nói “khó nghe” của chủ nhà, đã phải chuyển đồ đạc tới căn nhà thuê mới ngay trong kỳ nghỉ lễ 30/4, mà không kịp thuê chuyển nhà trọn gói, phải huy động bạn bè tới giúp.
Chị Hồng cho biết: “Căn phòng gia đình tôi thuê trên tầng 5, ngày mưa thì dột, ngày nóng thì nắng rọi vào tận phòng, tôi đã đề nghị chủ nhà sửa lại mỗi bên chịu một nửa nhưng họ không đồng ý. Vừa rồi chủ nhà yêu cầu tăng tiền nhà thêm 200.000 đồng/tháng, vợ chồng tôi tức quá nên chuyển nhà luôn, dù ở đây đang tiện chợ và tiện đường đưa con đi học”.
Là sinh viên, không có nhiều tiền để đóng một lúc mấy tháng tiền nhà, Dung và nhóm bạn trường Học viện Hành chính từng “khóc dở, mếu dở” khi đi học về không thể vào phòng trọ vì chủ nhà đã thay ổ khoá khác.
“Có lý do gì đâu, chỉ tại chúng em chưa đồng ý với giá phòng trọ tăng theo ý kiến của bà chủ. Nhưng bọn em còn may mắn hơn, bạn em kìa, đêm hôm đang ngủ bị chủ nhà lôi dậy bắt chuyển đi vì không chịu đóng tiền nhà theo giá mới khi vừa ở được hơn một tháng…” - Dung buồn rầu nói.
Cần một bản hợp đồng chặt chẽ
Theo luật sư Hà Đăng (Văn phòng luật sư Hà Đăng), trường hợp xảy ra xung đột giữa người đi thuê và chủ nhà do không thống nhất được mức giá thuê là chuyện thường ngày giữa thời buổi lạm phát hiện nay.
Không chỉ là hợp đồng thuê nhà ở bình thường, mà ngay cả những hợp đồng thuê văn phòng có thời hạn 10 - 15 năm cũng bị chủ nhà doạ đuổi và tăng giá. Văn phòng luật sư đã tư vấn trực tiếp, bằng văn bản, hoà giải, thậm chí là đưa ra toà rất nhiều vụ việc liên quan tới vấn đề này.
Ngay cả văn phòng của nhóm luật sư này tại 29 Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cũng đang đối mặt với một đợt tăng giá mới, nhưng với họ, vấn đề này sẽ dễ dàng được giải quyết. “Mọi xung đột giữa hai bên cũng đều từ bản hợp đồng nhà không chặt chẽ mà ra”- Luật sư Đăng nói.
Cũng theo luật sư Hà Đăng, hợp đồng giữa chủ nhà và người đi thuê thường là thoả thuận tự nguyện giữa hai bên, ít có sự làm chứng của cơ quan chức năng.
Vậy nên, mới có chuyện cách đây không lâu có một nhóm sinh viên thuê nhà bên Gia Lâm bị chủ nhà doạ đuổi đi, thậm chí là thay khóa không cho các em vào phòng trọ do không chấp nhận tăng giá tiền thuê, đã tìm đến văn phòng luật sư Hà Đăng để nhờ tư vấn.
“Tôi đã khuyên các em làm đơn ra công an phường, trình bày cụ thể sự việc xảy ra để nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ. Sau đó không thấy các em quay lại, tôi nghĩ chắc các em đã giải quyết ổn thoả việc thuê nhà rồi” - vị luật sư chia sẻ.
Trên thực tế, không phải mâu thuẫn nào cũng được giải quyết ổn thoả. Vợ chồng chị Hồng dọn nhà đi nơi khác cũng vì lẽ đó, trong khi cái nhà trả lại của chị, chủ nhà không những không sửa sang, mà còn cho thuê với giá cao hơn.
Chị Nhung, khi không “nói chuyện” được với chủ nhà đành phải chấp nhận mức giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng và đóng luôn 9 tháng tiền nhà, thay vì đóng 3 tháng 1 lần, nhằm tránh chủ nhà tăng tiếp trong thời hạn hợp đồng 1 năm.
Chị Nhung cho hay: “Cũng tại tôi, tìm được căn nhà vừa ý nên quên để ý kỹ hợp đồng. Hợp đồng ký thuê 1 năm, nếu thay đổi (không thuê/không cho thuê nữa) thì phải báo trước cho nhau 1 tháng, bà chủ nhà đã làm đúng điều đó. Sau 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4, chủ nhà tuyên bố tăng tiền nhà kể từ tháng thứ 5, không đồng ý thì họ không cho thuê nữa”.
Vậy nên, theo lời khuyên của luật sư Hà Đăng: “Nguyên tắc đi thuê nhà là phải có một bản hợp đồng thật chặt chẽ, ghi rõ ràng trong thời gian thuê bao lâu không được tăng giá, hoặc có tăng thì không được tăng vượt mức 10% so với giá thuê nhà hiện tại.
Cẩn thận hơn, khi kí hợp đồng thuê nhà, người đi thuê nên nhờ chính quyền nơi mình ở đứng ra làm chứng, chủ nhà muốn thay đổi hợp đồng cũng khó”.