'Méo mặt' vì giá gửi xe

Cập nhật 19/11/2018 10:35

Không chỉ tăng phí đỗ xe trên lòng đường, hè phố, quyết định tăng giá giữ xe cao gấp 5 lần tại các khu trung tâm thương mại, chung cư... của UBND TP.HCM đang khiến người dân lo ngại.

Cư dân tại TP.HCM có thể phải trả 5 triệu đồng/tháng tiền giữ xe
ẢNH: ĐỘC LẬP

Giá giữ ô tô lên 5 triệu đồng/tháng

Theo Quyết định số 35/2018 của UBND TP.HCM ban hành về giá tối đa dịch vụ giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, từ 1.10, giá giữ ô tô tại khu vực trung tâm TP tăng gấp 5 lần so với trước.

Theo đó, giá gửi ô tô dưới 9 chỗ và xe có tải trọng 1,5 tấn trở xuống tại khu trung tâm (các quận 1, 3, 5) tối đa trong hai giờ đầu là 35.000 đồng. Giờ tiếp theo tính 20.000 đồng mỗi xe. Đơn giá theo tháng là 5 triệu đồng/xe. Tại các quận, huyện còn lại, loại xe trên có giá trông giữ tối đa 35.000 đồng cho mỗi 4 giờ. Đơn giá theo tháng là 2 triệu đồng/xe. Đối với xe trên 9 chỗ và có tải trọng trên 1,5 tấn mức trông giữ tối đa 100.000 đồng mỗi 4 giờ. Gửi xe theo tháng có giá 5 triệu đồng/xe. Mức phí này áp dụng cho tất cả các quận huyện.

Mức phí tối đa với xe máy cũng được chia thành hai nhóm địa điểm: Trường học, bệnh viện, bến xe, chợ, siêu thị, nơi sinh hoạt công cộng (do các tổ chức của TP và quận huyện quản lý) giá giữ xe là 4.000 đồng/lượt trong ngày, 6.000 đồng/lượt ban đêm. Đơn giá theo tháng là 210.000 đồng/xe. Các địa điểm không thuộc danh sách trên, mức giá tối đa là 6.000 đồng mỗi 4 giờ ban ngày; 9.000 đồng mỗi 4 giờ ban đêm. Giá vé tháng là 310.000 đồng/xe. Đáng chú ý, thời gian tính phí ban đêm bắt đầu từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, dài hơn 3 giờ so với cách tính được áp dụng từ trước đến nay.

Như vậy, theo quyết định mới, cư dân ở các chung cư do tư nhân đầu tư ở quận 1, 3, 5 có thể phải gửi ô tô với giá cao nhất lên tới 5 triệu đồng/tháng, tăng gấp 5 lần. Giá trông giữ xe máy cũng tăng gần gấp đôi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương làm việc tại Q.1 than tiền gửi xe là một khoản không nhỏ với bà và nhiều người làm việc ở trung tâm. Văn phòng công ty ở đường Đồng Khởi, nhưng ngày nào bà Hương và một số người trong công ty cũng phải chạy xe lên tận bãi giữ xe đường Nguyễn Văn Chiêm (đoạn sau tòa nhà Diamond Plaza) để gửi xe.

“Cứ 10.000 đồng/lượt, có hôm vừa mang xe vào, chưa đầy 30 phút sau quay lại lấy xe cũng mất 10.000 đồng. Trong khi bãi xe thì bùn đất bẩn thỉu, xe trải mưa trải gió đủ cả. Trước chủ bãi bảo đóng nguyên tháng 250.000 đồng đã phải cân nhắc, nay lên 310.000 đồng chắc phải bỏ xe đi bộ luôn”, bà Hương than thở.

Mua căn hộ, khổ vì tiền gửi xe

Trước đó, từ ngày 1.8, TP.HCM cũng đã chính thức tăng mức phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường từ 4 - 8 lần với mục tiêu hạn chế ô tô đậu, đỗ ngoài lòng đường, vỉa hè, lập lại trật tự đô thị cho TP.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, đặt vấn đề: Sở GTVT khi làm đề án đã khảo sát để đưa mức phí đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè cao hơn 10 - 20% so với mức thu ở cao ốc, trung tâm thương mại nhằm khuyến khích các phương tiện đưa xe xuống hầm gửi.

Bây giờ lại đồng thời tăng cả giá giữ xe tại những nơi này, vậy phương tiện biết đậu ở đâu? Thực tế, từ ngày áp dụng mức thu mới, lượng xe đậu tại các khu vực có thu phí giảm hẳn nhưng mới chỉ một phần nhỏ tài xế cho xe vào đậu tại các trung tâm thương mại, phần lớn "dạt" sang các tuyến đường lân cận không thu phí. “Nay cả các hầm gửi xe cũng tăng giá nữa thì tình trạng ách tắc giao thông lan từ chỗ này sang chỗ khác là không thể tránh khỏi, phản tác dụng. Trong khi hệ thống giao thông công cộng ì ạch, bãi đậu xe quy hoạch cả 10 năm đến giờ chưa có. Trách nhiệm của TP chưa lo xong thì không thể đẩy lên đầu người dân như vậy được”, ông Mai nói thẳng.

Đồng tình, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, nhận định việc áp giá gửi xe quá cao nhằm hạn chế phương tiện cá nhân chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi vì các tuyến metro còn dang dở, hệ thống giao thông công cộng chưa đủ hoàn chỉnh để phục vụ nhu cầu đi lại của đa số người dân.

Chưa kể, TP không nên áp giá trần đối với giá dịch vụ trông giữ xe tại các khu chung cư, trung tâm thương mại. Theo đúng nguyên tắc, người dân khi bỏ tiền ra mua một căn hộ là trong đó đã tính cả quyền sử dụng các dịch vụ đi kèm như chỗ để xe, khu vui chơi...

Giá trông giữ xe ở đây chỉ là tiền thuê dịch vụ trông giữ, không thể trở thành một dịch vụ kinh doanh kiếm lời. Thực tế hiện nay tiền giữ xe tại nhiều khu chung cư khá cao nhưng phiếu thu chủ yếu chỉ lưu hành trong nội bộ, không phải do cơ quan tài chính nhà nước ban hành, kiểm soát. Do đó, doanh nghiệp có thể “né” không ít thuế. Chủ đầu tư chung cư, trung tâm thương mại “hốt bạc”, người dân thiệt thòi, nhà nước thì thất thu.

Lợi nhuận chủ đầu tư thu được từ giữ xe rất lớn. Nay TP áp mức giá trần cao như thế chẳng khác nào vô tình tiếp tay cho chủ đầu tư thoải mái tăng giá, miễn sao không vượt khung, làm rối loạn cuộc sống của người dân. Trong khi thực tế, việc có chỗ đậu xe là quyền lợi chính đáng của người dân khi sở hữu một căn hộ chung cư. TP chỉ nên áp trần giá giữ xe tại các khu vực công cộng. Áp vào trung tâm thương mại, cao ốc, chung cư là vi phạm quyền dân sự.

LS Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM)


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên