Trong Luật Đất đai, đồng bào các dân tộc rất quan tâm đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của họ đối với đất và rừng; mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu, về quy hoạch và kế hoạch, cơ chế và chính sách sử dụng đất và rừng…
Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 đã có những quy định mới đối với các dân tộc, họ mừng là Đảng và Nhà nước đã quan tâm, xác định rõ trách nhiệm về giải quyết đất ở, đất sản xuất… Nhưng có một số điều quy định chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, như:
1/ Điều 26, Dự thảo quy định về đất ở thì rõ, nhưng về đất sản xuất thì chưa đầy đủ. Đất sản xuất của đồng bào các dân tộc không chỉ có đất trồng cây hằng năm mà cả đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng…
Đề nghị tiêu đề của Điều 26 bỏ “sản xuất”, viết lại là: “Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số” là đủ. Điểm 2 của Điều 26 thay “tạo điều kiện” bằng “bảo đảm”, viết lại là: “Có chính sách bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất nông nghiệp để sản xuất”.
2/ Ở miền núi - vùng dân tộc, đất ruộng rất ít, chủ yếu là đất rừng, hiện nay mới được giao quản lí và bảo vệ khoảng 3 triệu ha, chiếm 25% đất rừng, nên đồng bào đang thiếu đất ở, đất sản xuất, rất cần có đất và rừng để sản xuất thâm canh, luân canh, không phải tự do du canh du cư như tại điểm 1 của các Điều 130, 131, 132.
Tôi đề nghị xem xét, bổ sung quy định: Nhà nước giao trực tiếp đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên phân tán, đất rừng phòng hộ phân tán, đất rừng đặc dụng phân tán ở gần khu dân cư cho hộ gia đình và cộng đồng các dân tộc quản lí, bảo vệ, phát triển, kết hợp sản xuất nông nghiệp, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
3/ Điều 154, Dự thảo quy định về “Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ”; như vậy mới chỉ đáp ứng cho đồng bào dân tộc Kinh và một số dân tộc khác ở miền xuôi.
Ở vùng đồng bào các dân tộc, đất và rừng cộng đồng trong từng thôn bản ở từng xã tồn tại từ lâu đời, nó gắn với lợi ích tập thể của người dân tộc, gắn với tự do tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng các dân tộc, được đồng bào các dân tộc thiểu số sống từ thế hệ này sang thế hệ khác gửi gắm, nuôi dưỡng, chung sống hòa thuận với đất rừng, giao cho trưởng bản, các trưởng dòng họ, các già làng quản lí.
Nhưng từ năm 1980 đến nay, hình thức đất và rừng cộng đồng của các dân tộc không được ghi nhận, bảo vệ, làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh, phát triển bền vững của các dân tộc.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 xem xét, bổ sung đất tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc vào sau cụm từ “nhà thờ họ”, “đất và rừng cộng đồng sử dụng vào mục đích tâm linh, tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc thiểu số”; quy định việc giao cho cộng đồng các dân tộc quản lí, sử dụng đất và rừng đó trong Luật Đất đai có lí, có tình, gắn luật tục với luật pháp.
4/ Điều 35, về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không rõ vì sao bỏ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã? Tại điểm 2 của Điều 39, Dự thảo quy định nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ đến cấp xã, vậy từ xã đến các thôn bản dân cư thì ai làm, quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện có “vẽ” đến đất và rừng cụ thể của các chủ thể sử dụng ở các thôn bản không? Tại điểm 6 của Điều 34, Dự thảo quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải dân chủ và công khai là đúng, vậy từ cấp huyện trở lên khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì dân chủ và công khai với ai, có với dân không hay chỉ với “quan”?
Quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch quan trọng trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất của quốc gia, vì nó trực tiếp xây dựng quy hoạch với các thôn bản và đồng bào dân tộc sẽ cụ thể, đầy đủ, chi tiết hơn, là cấp thực thi cuối cùng; đề nghị chưa nên bỏ quy hoạch cấp xã.
Điều 194, Dự thảo quy định giám sát của công dân đối với việc quản lí, sử dụng đất đai là quy định hợp lòng dân. Nhưng để công dân giám sát được việc này, Luật phải quy định có quy chế cụ thể thì công dân mới giám sát được; nhân dân là chủ sở hữu phải được biết, được bàn, được quyết về quy hoạch và kế hoạch, cơ chế và chính sách sử dụng đất và rừng, không thể để Nhà nước là đại diện chủ sở hữu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”… Không chỉ có công dân mà các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… đều có quyền giám sát sẽ có hiệu quả tốt.
5/ Để sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 thể hiện được ý chí và nguyện vọng của dân đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 xem xét:
- Đất đai là vấn đề rất trọng yếu được hiến định, phải sửa đổi xong Hiến pháp năm 1992 rồi Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai theo Hiến pháp.
- Sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 phải đáp ứng vấn đề thực tiễn, nhất là về vấn đề sở hữu, quản lí, sử dụng đất và rừng sao cho có hiệu quả, bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của người dân và của Nhà nước.
- Phải quy định rõ sở hữu toàn dân về đất và rừng, cơ chế thực hiện thế nào; mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu, Dự thảo Luật quy định Nhà nước có nhiều quyền hơn người dân, vậy là vẫn áp đặt dân?