Theo bà Châu Mỹ Anh, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, thì thực trạng đa sắc màu như hiện nay là do sử dụng màu theo ý thích cá nhân, có thể vì tâm lý muốn làm nổi công trình nên cố gắng chọn cho mình một số màu thật lạ để không lẫn vào những công trình khác. Hầu hết các công trình kiến trúc dân dụng đều thuộc sở hữu tư nhân, TP thì chưa có quy chuẩn nào về màu sắc nên tận dụng màu sắc là chuyện... đương nhiên.
- Việc tận dụng màu sắc tại các công trình kiến trúc trong TP tác động thế nào đến không gian, cảnh quan, thưa bà?
Trước tiên là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân xung quanh các công trình kiến trúc đó. Thí dụ nếu căn nhà đối diện chọn màu sắc nóng, mỗi khi ánh nắng chiếu vào sẽ tạo cảm giác khó chịu cho căn nhà đối diện; bên cạnh đó còn tạo cảm giác phân tâm cho những người điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Đôi khi sự phân tâm cũng dễ dẫn đến tai nạn. Chưa kể tác động của những gam màu nóng còn dẫn đến sự dễ nóng giận về mặt tâm lý cho những người thường xuyên phải tiếp xúc.
Với thực trạng TP hiện nay, không chỉ đề cập đến màu sắc của công trình kiến trúc mà còn phải để ý đến những bảng quảng cáo. Vị trí của các bảng này thường đặt tại những nơi dễ quan sát, tác động trực quan, nếu màu sắc của bảng dùng những gam màu nóng, chói sẽ góp phần làm cho màu sắc đô thị rất khó chấp nhận. Tại những tuyến đường mới giải toả, sau khi chỉnh trang cũng không ít công trình chọn màu sơn cảm tính, cái thì màu đỏ, cái màu tím xen với xanh... chỉ cần nhìn đã thấy nhức mắt.
- Nguyên nhân “loạn màu” hiện nay do đâu, thưa bà?
Theo tôi nguyên nhân chính là do sự cảm thụ thẩm mỹ màu sắc của người dân chưa hình thành. Chủ yếu vẫn là theo ý thích, thậm chí có nhiều người chọn màu theo quan điểm hợp tuổi, hợp số... cộng thêm công nghệ sơn ngày càng phát triển, có thể đáp ứng về màu sắc theo ý thích, chính điều này dẫn đến sự phát triển màu sắc đô thị không theo nguyên tắc nào.
- Theo bà nên định hướng “quy hoạch” lại màu sắc như thế nào?
Đây là việc cần phải thực hiện. Theo tôi biết, TP.HCM có dự thảo về vấn đề này, chắc chắn sắp tới sẽ có điều chỉnh về màu sắc đối với đô thị. Trước mắt, có thể điều chỉnh màu sắc cho từng khối, từng hạng mục, vừa làm đẹp mỹ quan vừa giúp cho người dân dễ dàng phân định khu vực cần tìm, chẳng hạn có thể chọn một màu sắc nhất định cho các cơ quan, quy định một số màu sắc cho những khu phố được quy hoạch làm phố thương mại và các khu dân cư, trường học cũng nên có một gam màu chung.
Những tồn tại thực tế có thể điều chỉnh từ ý thức người dân, tuy nhiên, với những khu vực dân cư mới thì cần phải đặt ra tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng và người dân khi chọn màu sắc cho công trình phải tuân thủ theo nguyên tắc đó.
- Cái khó hiện nay là hầu hết công trình đều thuộc sở hữu tư nhân, phải chăng không có giải pháp để hạn chế việc tận dụng màu?
Không hẳn là thế, nếu có một quy định rõ ràng cụ thể về màu sắc đô thị vẫn có thể điều chỉnh được việc sơn màu theo ý thích như hiện nay. Có thể đưa ra một số gam màu cấm, và một số gam màu nên thực hiện. Chẳng hạn có thể cấm sử dụng những gam màu nóng, chói, những gam màu nguyên mẫu tạo tâm lý nặng nề cho người nhìn.
Hiện có rất nhiều công trình đã thực hiện xong phần trang trí cho công trình xây dựng. Đến bây giờ TP mới đặt ra công tác quản lý màu sắc cho đô thị, phải chăng là đã trễ?
Theo tôi thì việc đưa màu sắc đô thị vào danh sách cần điều chỉnh đã được TP quan tâm từ lâu, tuy nhiên để đưa ra một tiêu chuẩn về màu sắc thì không thể đơn giản, cần phải có thời gian để tham khảo. Trễ hay sớm theo tôi không quan trọng mà điều cần nhất là đưa ra gam màu nào phù hợp cho đô thị.
- Xin cảm ơn bà.
>> Bộ mặt đô thị: Trăm hoa đua nở và... xấu đều
Theo Th. Tòng - Sài Gòn Giải Phóng