Mặt phố nham nhở bởi nhà siêu mỏng

Cập nhật 22/03/2010 08:10

Lần nào cũng vậy, khi xuất hiện công trình hạ tầng mới, sau giải phóng mặt bằng để làm cầu, đường là nhà siêu mỏng, siêu nhỏ lại xuất hiện. Tình trạng này đang diễn ra khắp nơi ở Hà Nội, làm xấu bộ mặt thủ đô.

Có lẽ, không có TP nào trên thế giới kể cả những đô thị có giá đất cao như Hồng Kông, Tokyo, New York... có những ngôi nhà diện tích siêu nhỏ như Hà Nội. Từ phố Kim Mã, Cầu Giấy đến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Lê Thanh Nghị, Vĩnh Tuy..., cứ theo thời gian, khi công trình hạ tầng cầu, đường mới xuất hiện là nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo lại tái diễn. Và tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo xuất hiện khắp các quận, huyện nội, ngoại thành Hà Nội.


Nhà siêu mỏng ở chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Ảnh: A. Nam

Mỏng như bảng thông báo

Kỷ lục nhà siêu mỏng trên phố Kim Mã (quận Ba Đình) trước đây với bề ngang trên dưới 1 m nay đã bị xô đổ bởi một ngôi nhà ở chân cầu Vĩnh Tuy - nơi chiếc cầu mới nhất bắc qua sông Hồng vừa được hoàn thành (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) được xem là có bề ngang hẹp nhất VN, chỉ khoảng 40-50 cm, đổ mái bằng bê tông đàng hoàng và được người dân xung quanh ví như tấm bảng thông báo phường. Không kém so với “tấm bảng” này, trên phố Lê Thanh Nghị (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) có một ngôi nhà mà người dân gọi vui là “chùa Một Cột” thứ hai chỉ có diện tích vỏn vẹn 2,8 m² nhưng lại có một trệt, một lầu. Cuộc cạnh tranh kỳ quái và làm hỏng bộ mặt đô thị này lại xuất hiện thêm trên con đường Vành đai 3 - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) chưa kịp khánh thành, một ngôi nhà khác có bề sâu trên 1 m cũng kịp dựng thêm một tầng lầu và vươn ra khoảng không thêm 1 m.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa, ông Trần Đức Học, cho hay đi kèm với hàng loạt tuyến phố được mở rộng là xuất hiện tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo. Chỉ lấy ví dụ con phố Kim Liên - Ô Chợ Dừa (dài hơn 1 km), hai bên đường đã xuất hiện hơn 70 thửa đất “kẹt” (có kích thước hình học không bình thường). Sau giải phóng mặt bằng làm đường, nhiều trường hợp đã kịp xây dựng những ki-ốt với bề ngang chỉ vài chục cm, chắn ngang mặt tiền của những ngôi nhà phía sau. Theo ông Học, đến nay, mới chỉ có chủ sử dụng của hơn 40 thửa đất "kẹt" chấp nhận hợp khối, còn 30 thửa còn lại, các chủ đất vẫn chưa thống nhất hợp khối được vì chủ đất mặt tiền “hét” giá bán quá cao, ngược lại chủ đất ở phía trong cũng “lỳ đòn” không nhượng bộ và hậu quả là mặt tiền của con phố bị nham nhở bởi những bức tường bỏ hoang hay nhà siêu mỏng.

Buông lỏng quản lý

Ông Học cho rằng với cách làm cứ mở đường đi giữa khu dân cư và giải phóng mặt bằng theo kiểu quy hoạch kẻ “vạch thẳng” thì không tránh khỏi việc xuất hiện những ngôi nhà “kỳ dị”. Ông Học cho hay tuyến đường Vành đai 3, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sắp khởi công cũng không tránh khỏi vết xe đổ này.


Nhà siêu mỏng ở chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).Ảnh: A. Nam

Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ, tình trạng nhà “kỳ dị” đang làm xấu đi bộ mặt thủ đô. Trong khi đó, từ năm 2005, chính quyền TP và ngay cả Bộ Xây dựng đã liên tục có văn bản chỉ đạo quản lý nhằm hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng tình hình không hề giảm. Lý giải nguyên nhân nhà siêu mỏng, ông Thọ cho rằng do chính sách quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng đã tạo ra các tuyến phố đẹp bị băm nát bởi nhà siêu mỏng, siêu méo. Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.

Trước vấn nạn này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, góp ý để tránh tình trạng nhà “kỳ dị” từ khi giải phóng mặt bằng, ngoài phần diện tích tuyến đường, hè đường, Nhà nước cần lấy thêm diện tích đất vào sâu phía trong để quy hoạch toàn bộ khu đất; lập dự án tái thiết xây dựng các khu chung cư trên phần đất lấy sâu đó với hệ thống các đường nội bộ. Các căn hộ chung cư này chính là chỗ dành cho việc tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, phần còn lại có thể bán và cho thuê. Cách làm này đã được triển khai tại tất cả các đô thị ở Trung Quốc từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Quy rõ trách nhiệm

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ, để hạn chế triệt để tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến tái diễn nhà “kỳ dị”, UBND các cấp cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo theo đúng quy định hiện hành. Ngoài ra, cần sớm có quy định về quản lý kiến trúc công trình xây dựng hai bên tuyến đường mới mở. Không để phát sinh các thửa đất, ngôi nhà có kích thước hình học không hợp lý cũng như nghiên cứu triển khai các dự án xây dựng đồng bộ đường và công trình mặt phố.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động