“Khi có chủ đầu tư tung ra mức giá 10 triệu đồng/m2, chúng tôi cũng mất ngủ luôn để nghĩ làm thế nào giảm giá xuống thấp hơn”, giám đốc một DN kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội (xin giấu tên) nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Khu nhà ở cao tầng hàng chục ha tại khu đô thị Sài Đồng đã hàng năm nay “đắp chiếu” im lìm. Kể từ khi chủ dự án rầm rộ tổ chức lễ động thổ cách đây một năm rưỡi, cho đến giờ khu đất vẫn chỉ có đội bảo vệ túc trực, không có lấy một phương tiện xây dựng nào thi công trên mảnh đất của dự án. Nhưng, đó không chỉ là dự án “án binh bất động” duy nhất trên đất Bắc.
Ảnh: TS
Cho đến gần đây, nhiều chủ dự án bất động sản đã chấp nhận “đắp chiếu” công trình của mình với lý do: động đến chỉ thêm nặng đầu. Những bài toán khả thi với nhiều chủ đất thậm chí là phải giảm tối đa lao động, vay hoặc dành một khoản tiền nhất định cho các chi phí trong 5 năm để “nằm chờ” cơ hội đến.
Tuy nhiên, với nhiều chủ đầu tư không kịp rút khỏi thị trường, vẫn phải “bấu víu” vào những cơ hội thoát hàng đang ngày càng khan hiếm, thì trường hợp giảm giá sốc của dự án bất động sản Đại Thanh vừa qua như một tảng đá lớn tiếp tục làm hẹp lại khả năng tháo chạy khỏi thị trường. Khoảng 1 tuần trước, thông tin về việc chủ đầu tư dự án đô thị Đại Thanh bán rộng rãi căn hộ diện tích nhỏ giá 10 triệu đồng/m2 đã làm xáo trộn thị trường bất động sản phía Bắc.
“Khi có chủ đầu tư tung ra mức giá 10 triệu đồng/m2, chúng tôi cũng mất ngủ luôn để nghĩ làm thế nào giảm giá xuống thấp hơn”, giám đốc một DN kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội (xin giấu tên) nói với Thời báo Ngân hàng. “Ngay bản thân nhà thu nhập thấp thì giá cũng cao hơn”, ông nói, Với mức giá quá thấp của Đại Thanh, nhiều đơn vị thi công cũng cho rằng chỉ tính chi phí nguyên vật liệu, nhân công, vốn và dự phòng… đã vượt quá mức giá bán nói trên. Đầy hồ nghi, ông giám đốc nọ cho rằng: “Mức giá bán 10 triệu đồng/m2 là… có vấn đề”.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ Nguyễn Quốc Khánh cũng đồng tình với nhận định trên. Vấn đề ở đây, theo ông Khánh, là: “Mức giá đó rất ảnh hưởng đến thị trường, khiến người tiêu dùng và khách hàng xem đây như là một đợt giảm giá, đại hạ giá, phá giá, giá sốc… mà thị trường đang mở đầu xu hướng”, ông nói.
Ông Trương Chí Kiên - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Him Lam Thủ Đô cũng tỏ ra bức xúc: “Kiểu hạ giá bất chấp cả sàn giá thành như vậy sẽ khiến thị trường mất niềm tin”. Những quan điểm kể trên không khó kiếm sự đồng tình. Giám đốc một công ty bất động sản lớn khác lưu ý rằng, người dân đương nhiên cần mức giá rẻ nhất trên thị trường. Nhưng, rẻ đến mức phá giá thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các dự án khác, đã được đầu tư với chất lượng tốt, vị trí đẹp… “Người dân sẽ nghĩ là mặt bằng giá còn xuống nữa. Người ta chờ đợi cuối cùng nó phải như thế và không biết xuống đến bao nhiêu là đủ”, ông này nói vậy và ngao ngán về mức giá mà dự án của ông không thể nào xuống thấp hơn nữa để cạnh tranh.
Đồng tình quan điểm này, ông Khánh cho rằng, khi dự án bất động sản bị chủ đầu tư tiết giảm chi phí quá độ thì chỉ có thể lợi về trước mắt, nhưng hại về lâu dài. “Nếu không đảm bảo chất lượng xây dựng cũng như vật liệu đủ bền cho 30-50 năm, mà chỉ một thời gian ngắn đã xuống cấp, hỏng hóc… thì rất lãng phí và có hại cho xã hội”, ông nói. Điều này không phải thiếu cơ sở, bởi trên thực tế đã có nhiều dự án mới hoàn thành ít năm nhưng xảy ra tình trạng lún móng, nứt vỡ sân, các vật liệu bóc tróc ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Những “điển hình” mang tiếng xấu như vậy ngày càng làm tăng sự ngờ vực giữa người mua với chủ đầu tư, ảnh hưởng đến các chủ đất làm ăn nghiêm túc. “Khách hàng đừng nên ham rẻ đến độ ép lỗ chủ đầu tư”, ông Khánh nói. Bởi vì, theo ông, “giá rẻ được một phần giá trị nhỏ cũng có khi phải đánh đổi bằng một căn nhà tệ hại, để lại hậu quả lâu dài”.
DiaOcOnline.vn - Theo TB Ngân Hàng