Mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh: Dịch chuyển ra vùng ven

Cập nhật 10/04/2014 13:15

Nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ đã bắt đầu kinh doanh nhộn nhịp trở lại. Thậm chí, tại một số quận, huyện vùng ven có mức thu nhập dân cư chưa cao thì doanh số vẫn có khả năng tạo bất ngờ đối với chủ đầu tư hệ thống bán lẻ.

Quý I/2014, nhiều trung tâm bán lẻ tọa lạc tại khu đất có diện tích lớn, vị trí thuận tiện tại TP. Hồ Chí Minh liên tiếp ra đời. Thị trường trở nên sôi động khi chào đón nguồn cung mới từ Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Tân Phú), với 47.000 m² diện tích thực thuê. Hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, Aeon Mall đã lôi cuốn được nhiều thương hiệu lớn thuê mặt bằng, như thương hiệu bán lẻ Nhật Bản Japan Selection, Daiso Japan; hay các thương hiệu giải trí như CGV, Tini Town & Tini World.

Thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê trong nội đô đang rất nóng

Nếu như trong năm 2013, nguồn cung mặt bằng bán lẻ không quá dồi dào do nền kinh tế còn nhiều khó khăn và sức mua sụt giảm thì bước sang năm 2014, diện tích sàn mới chào thuê đang khá dồi dào, với Times Square (quận 1) rộng 4.000 m2, Thảo Điền Pearl (quận 2) diện tích gần 21.000 m2, SC Vivo City (quận 7) diện tích “khủng” lên đến 72.000 m2… Nhưng đáng chú ý, theo các chuyên gia, đang xuất hiện xu hướng dịch chuyển về nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới, thay vì tập trung chính tại các khu vực trung tâm lại đang chuyển dịch dần sang một số quận vùng ven.

Nghiên cứu đánh giá thị trường của Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm không đổi trong 5 quý liên tiếp vừa qua, trong khi giá thuê trung bình tại khu vực ngoài trung tâm tăng. Cụ thể, đối với khu vực ngoài trung tâm, giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại trong quý I/2014 tăng 59,3% so với quý trước và 43,8% so với cùng kỳ. Riêng Aeon Mall, giá thuê tăng cao chủ yếu do chào thuê tầng 1 và 2 cao hơn 256% so với mức trung bình của các trung tâm thương mại khác.

Bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc CBRE nhận xét, điều này chứng tỏ vị trí không phải là yếu tố duy nhất tạo nên thành công của một trung tâm thương mại. Nhiều chủ đầu tư bỏ qua, hoặc chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của việc phân bổ khách thuê hợp lý. Cần lưu ý rằng, ngành hàng ăn uống tiếp tục hoạt động tốt và đóng góp tích cực trong doanh thu của các trung tâm thương mại. Đơn cử, Aeon Mall tập trung nhiều hơn vào ngành hàng ăn uống, đồng thời bố trí xen kẽ với các ngành hàng khác tạo sự thành công trong việc thu hút khách mua sắm ngay cả vào các ngày trong tuần. Một điểm nhấn khác được ghi nhận tại Aeon Mall là sự góp mặt của các thương hiệu Nhật Bản và sản phẩm có giá cả phải chăng.

Mới đây, hàng loạt các nghiên cứu của nhiều công ty quản lý BĐS quốc tế có trụ sở tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, sắp tới thị trường bán lẻ sẽ còn tiếp tục trở nên sôi động hơn khi nhà đầu tư đang nhanh chóng khẳng định sự hiện diện tại thị trường, thông qua sự xuất hiện của chuỗi các trung tâm mới. Dự kiến, nguồn cung tương lai tính đến năm 2016 đạt khoảng 120.000 m². Con số này tại TP. Hồ Chí Minh thực tế chỉ bằng 1/10 so với nguồn cung của Hà Nội và còn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

Chính vì vậy, thị trường có khả năng nhanh chóng tiêu thụ nguồn cung này khi mà diện tích thực thuê trong 3 năm gần đây của TP. Hồ Chí Minh đạt xấp xỉ 54.000 m². Hơn nữa, với cách bố trí khách thuê phù hợp, không khó để lấp đầy các diện tích này nên các chủ đầu tư khá tự tin khi đưa ra diện tích mặt bằng mới.

Một điểm tựa khác cho sự tin tưởng khả năng phục hồi nêu trên là theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính đến quý I/2014, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 701 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 0,6 điểm phần trăm, phần nào phản ánh sự phục hồi của thị trường tiêu dùng.

Trên thực tế, nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ đã bắt đầu kinh doanh nhộn nhịp trở lại. Thậm chí, tại một số quận, huyện vùng ven có mức thu nhập dân cư chưa cao thì doanh số vẫn có khả năng tạo bất ngờ đối với chủ đầu tư hệ thống bán lẻ. Lưu lượng khách vào các dịp cuối tuần cũng không hề thua kém các trung tâm thương mại lâu đời, vốn chỉ quen ngự trị trong khu vực trung tâm. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với kết quả đánh giá của Nielsen về chỉ số niềm tin người tiêu dùng đưa ra gần đây chạm mức cao nhất trong 2 năm, nhờ vào sự lạc quan đối với thị trường việc làm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ nhận định, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2015 góp phần khuyến khích nhà bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường. Sau Starbucks và McDonald, nhiều nhà bán lẻ khác được tin rằng sẽ tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam. Theo đó, các chuỗi bán lẻ có mặt bằng giá bán phải chăng sẽ tiếp tục mở rộng ở các quận ngoại thành, nơi có mật độ dân số cao và thu nhập người dân đang dần cải thiện…

DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Ngân hàng