Trong khi thị trường chưa hết khó khăn, một số trung tâm thương mại vẫn đang phải đóng cửa, thì nguồn cung của thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn không ngừng gia tăng.
Hoạt động khó khăn, nhiều mặt hàng bày bán trong Trung tâm thương mại Lotte Đào Tấn, Hà Nội phải giảm mạnh giá bán để thu hút khách. Ảnh: Nguyên Minh
|
Nguồn cung tăng, giá thuê giảm
Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, nguồn cung bán lẻ quý III/2015 tại Hà Nội đạt 971.000 m2, tăng 2,3% theo quý và 17% theo năm. Đây là những con số làm khó thị trường, bởi trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường mặt bằn bán lẻ rơi vào khó khăn, giá thuê luôn trong xu hướng giảm, hoạt động thị trường ảm đạm, thậm chí đã có những trung tâm thương mại phải đóng cửa.
Cũng theo Savills Việt Nam, trong quý III/2015, giá thuê trung bình của thị trường bán lẻ giảm 4,7% theo quý và 9% theo năm. Trong đó, mức giảm giá mạnh nhất thuộc về khối đế bán lẻ tại các tổ hợp, giảm đến 10,3%. Tiếp đến là giá thuê tại trung tâm mua sắm giảm 5,8%. Tại các trung tâm thương mại, giá thuê cũng giảm tiếp khoảng 2,2%. Đà giảm giá của thị trường bán lẻ hiện nay, theo Savills, đã kéo dài trong suốt 3 năm trở lại đây.
Trong khi thị trường bán lẻ chưa có được sự ổn định, thì nguồn cung tương lai vẫn chưa dừng lại.
Cụ thể, theo CBRE, trong quý IV/2015, dự án lớn Aeon Mall Long Biên với diện tích sàn khoảng 108.000 m2 và 2 dự án lớn của Vincom tại quận Đống Đa và quận Bắc Từ Liêm sẽ gia nhập thị trường.
Ngoài các nguồn cung lớn trên, thị trường bán lẻ cũng đón nhận nguồn cung từ các khối đế chung cư, như Dự án The Pride quận Hà Đông, Dự án Golden Palace, quận Nam Từ Liêm…
Hoạt động thị trường khó khăn
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, tỷ lệ trống của thị trường mặt bằng bán lẻ trong quý III/2015 đã giảm dần. Cụ thể, theo CBRE, tỷ lệ trống toàn toàn thị trường bán lẻ Hà Nội giảm nhẹ, từ 15,5% trong quý II, còn 15,2% trong quý III. Còn theo Savills Việt Nam, công suất thuê mặt bằng bán lẻ quý III/2015 đã có chuyển biến tích cực, tăng 3% theo quý và 4% theo năm.
Thế nhưng, công suất thuê và tỷ lệ trống giảm của thị trường mặt bằng bán lẻ dường như không phản ánh xu hướng hồi phục của phân khúc này. Bởi xu hướng giảm giá vẫn tiếp diễn từ vài năm nay. Trong khi đó, tại Hà Nội, Trung tâm thương mại Grand Plaza Trần Duy Hưng vẫn đang bị đóng cửa. Trung tâm thương mại Keangnam Landmark trên đường Phạm Hùng cũng chưa có động thái tích cực kể từ khi đóng của từ hồi đầu năm 2015. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của nhiều trung tâm bán lẻ tại Hà Nội hiện vẫn gặp khó khăn.
Khảo sát của Đầu tư Bất động sản tại một số hệ thống bán lẻ tại Hà Nội như Parkson Thái Hà, Trung tâm thương mại Lotte Tây Sơn hay Lotte Đào Tấn dường như chưa thoát khỏi khó khăn, lượng khách không được cải thiện. Rất nhiều trung tâm mua sắm được đặt dưới đế các tòa nhà, tỷ lệ trống dù đã được cải thiện so với năm 2014, nhưng hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ vẫn gặp khó vì vắng khách.
Hoạt động kinh doanh khó khăn, khiến xu hướng các nhà bán lẻ rời khỏi trung tâm mua sắm ngày càng gia tăng.
Một khảo sát của Savills Việt Nam đối với trên 200 cửa hàng, tại 15 trung tâm bán lẻ tại Hà Nội về xu hướng thuê mặt bằng 12 tháng tới cho thấy, hiện xu hướng các nhà bán lẻ lựa chọn nhà mặt phố cao hơn nhóm khách hàng chọn mặt bằng bán lẻ trong trung tâm mua sắm.
Cụ thể, tỷ lệ nhà bán lẻ được khảo sát chọn thuê nhà mặt phố làm điểm bán hàng chiếm 48%, trong khi số lượng nhà bán lẻ tiếp tục chọn trung tâm thương mại chỉ đạt 26%.
Mặc dù số liệu thống kê này không phản ánh toàn bộ cục diện thị trường, nhưng điều đáng lo ngại là tỷ lệ khách hàng lựa chọn thuê mặt bằng nhà mặt phố thay vì thuê mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại tại các khảo sát của các đơn vị nghiên cứu trước đây cũng cho ra con số tương tự, với tỷ lệ khách chọn thuê trung tâm thương mại luôn thấp hơn tỷ lệ khách hàng muốn thuê nhà phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản