Trước tình hình giá mặt bằng kinh doanh ngày càng tăng, trong khi lượng khách có xu hướng giảm, một số người kinh doanh trên mặt bằng đi thuê đang chọn giải pháp chuyển địa điểm từ đường lớn vào những con đường nhỏ hơn.
Nguyễn Khắc Phùng chủ tiệm kinh doanh sản phẩm inox vừa mới chuyển vào con đường Phạm Phú Thứ cho biết, việc chuyển địa điểm kinh doanh từ đường Lý Thường Kiệt trước đây về đường nhỏ hơn đã giúp Phùng giảm đáng kể một khoản chi phí trong việc thuê mặt bằng.
Tiết kiệm tiền triệu
Căn nhà Phùng đang kinh doanh hiện nay có diện tích 4 x 20m, Phùng chỉ thuê với giá 12 triệu đồng/tháng. Trong khi căn nhà cùng diện tích trên đường Lý Thường Kiệt, trước đây Phùng phải thuê với giá 18 triệu đồng/tháng. Tương tự, bà Hài chủ tiệm điện Bích Ngọc cũng mới thuê căn nhà trên đường Đặng Văn Ngữ với giá 12 triệu đồng/tháng, chủ đồng ý ký hợp đồng cho thuê năm năm. Căn nhà trước đây bà Hài thuê trên đường Lê Văn Sỹ, có diện tích nhỏ hơn nhưng giá thuê 16 triệu đồng/tháng, hợp đồng chỉ hai năm.
Ngoài một số người có nhu cầu thuê nhà hoặc mặt bằng để kinh doanh, nhiều công ty mới thành lập cần thuê nhà hoặc mặt bằng làm văn phòng cũng góp phần dẫn đến nguồn cung về nhà cho thuê ở các đường lớn bị cạn, giá nhà và mặt bằng cho thuê tại các trục đường chính ở các quận trung tâm và gần trung tâm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, người cho thuê mặt bằng hiện nay có khuynh hướng ký hợp đồng cho thuê ngắn hạn, để họ có thể linh động hơn trong vấn đề điểu chỉnh giá.
Theo Phùng, những hợp đồng cho thuê ngắn hạn nhằm dễ điều chỉnh giá cho thuê đã ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như những tính toán của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Giá cho thuê cứ tăng theo mỗi lần tái ký hợp đồng thuê mặt bằng, trong khi việc kinh doanh vừa qua có khi giảm đến 30% khiến cho những người thuê mặt bằng rất bị động, do vậy chúng tôi chọn những trục đường nhỏ hoặc những con hẻm rộng sẽ bảo đảm hơn vì thường chủ nhà ký hợp đồng dài hạn hơn…”, Phùng nói.
Sử dụng nhiều biện pháp tiếp thị
Việc chuyển đổi địa điểm mặt bằng kinh doanh, nhằm giảm mức tiền thuê mặt bằng không hẳn là giải pháp tối ưu, bởi việc này nhiều lúc làm thay đổi cơ cấu khách hàng, hình thức kinh doanh…Tuy nhiên những chủ cửa hàng buộc phải di chuyển này cũng đã tìm ra các giải pháp. Đó là sử dụng các loại hình dịch vụ quảng cáo bằng tờ rơi, điện thoại, email, internet…cũng như áp dụng các hình thức dịch vụ chu đáo, chăm sóc, chiều khách… để vừa giữ khách cũ vừa lôi kéo khách mới.
Một số chủ cửa hàng cho biết nhờ những yếu tố này mà nhiều cửa hàng nằm trong “xó” nhưng vẫn đông khách hàng tìm đến. Theo bà Hài, đa số các doanh nghiệp có nguồn khách quen thuộc chiếm đến 80% doanh số bán hàng, khách vãng lai chỉ chiếm 20%, do vậy khi chuyển đổi địa điểm kinh doanh chỉ cần thông báo cho khách hàng là mọi việc không thay đổi nhiều. Với những người kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin, theo ông Quý – người vừa dọn cửa hàng về đường Nguyễn Kiệm: “Ngành hàng này địa điểm kinh doanh không nhất thiết ở trên các trục đường lớn, vấn đề là dịch vụ hậu mãi tốt, uy tín sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng”. Có lẽ chính lý do này nên trong con hẻm nhỏ 121 Lê Thị Riêng, với chiều ngang chưa đầy 3m, nhưng hiện có tới cả chục công ty kinh doanh hàng công nghệ thông tin chọn làm địa điểm đặt công ty.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị