“Mập mờ” chất lượng chung cư: Khách hàng có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa

Cập nhật 11/10/2016 08:58

Sau bài viết “Mập mờ chất lượng chung cư: Khách hàng kêu cứu vì mới nhận nhà đã nứt”, DĐDN tiếp tục nhận được ý kiến của Luật sư Phạm Hữu Quốc, Văn Phòng Luật sư Thành Hưng, Đoàn Luật sư TP HCM.


Hiện nay các chủ đầu tư (CĐT) thường vì lợi nhuận, giảm chi phí xây dựng,thay thế các vật liệu không đúng như hợp đồng ban đầu. Vì vậy, dẫn đến không đảm bảo một số yêu cầu kỹ thuật trong xây dựng. Việc chậm trễ, không triệt để khắc phục sự cố trong khâu xây dựng, vận hành, bảo hành quản lý nhà chung cư khi đưa vào sử dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp chất lượng các khu chung cư ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 85, Luật Nhà ở năm 2015 về bảo hành nhà ở thì: “Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau: Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng; Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng”.

Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.

Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp các sự cố liên quan đến khung, cột, dầm, sàn tường, hệ thống điện, nước… xảy ra trong thời gian bảo hành thì chủ đầu tư sẽ là bên có trách nhiệm phải xử lý sự cố, khắc phục, sửa chữa những hư hỏng đó.

Nếu CĐT vẫn không có các biện pháp khắc phục cũng như tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng đối với việc bảo hành căn hộ gây thiệt hại cho khách hàng, thì khách hàng nên khởi kiện chủ đầu tư và yêu cầu bối thường thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để xem xét việc thay thế các vật liệu không đúng như hợp đồng ban đầu, không tương đương chất lượng sản phẩm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng . Bởi lẽ, hành vi lừa dối, lừa đảo trong buôn bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng, quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Luật sư Phạm Hữu Quốc – Văn phòng Luật sư Thành Hưng – Đoàn Luật sư TP HCM

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN