Mắc kẹt với bất động sản

Cập nhật 06/06/2011 10:45

Tín dụng bất động sản bị khóa van khiến thị trường suy giảm, hiện tượng nhà đầu tư bán tháo căn hộ đang diễn ra, nhất là các căn hộ trung và cao cấp.

Hiện các ngân hàng (NH) đang tạm ngưng các khoản tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) theo yêu cầu siết chặt tín dụng phi sản xuất của NH Nhà nước khiến thị trường nhà đất gặp khó khăn. Giới đầu tư, kể cả người có nhu cầu mua nhà ở thật sự cũng tiến thoái lưỡng nan.

"Bán tháo" để cắt lỗ

Anh S., làm việc tại một cơ quan truyền thông ở TPHCM, cho biết anh chưa kịp vui mừng vì có suất mua căn hộ diện ưu đãi thì đã đứng ngồi không yên và hiện phải tính chuyện... trả lại hàng vì lãi suất tăng vọt và NH có thể ngừng cho vay.

Căn hộ anh mua vào đầu năm 2011 với giá 720 triệu đồng thuộc dự án Anh Tuấn Apartment, huyện Nhà Bè - TP.HCM, trả trước 30%. Số tiền còn lại sẽ trả góp theo từng kỳ với lãi suất ưu đãi chỉ 14%/năm. Đùng một cái, NH thông báo lãi suất tăng vọt lên 22%/năm, đồng thời có khả năng ngưng cho vay vì dư nợ tín dụng vượt quá quy định.

"Tôi đang như ngồi trên lửa vì không biết nên trả lại hàng hay cố gắng vay mượn để góp tiếp số tiền gần 500 triệu đồng còn lại" - anh S. than thở.

Phản ánh về tình trạng "bán tháo" đang xảy ra đối với các nhà đầu tư mua căn hộ cao cấp của dự án Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, một bạn đọc cho biết năm 2008, anh mua một căn hộ cao cấp thuộc dự án trên với giá 2,500 USD/m2 (hợp đồng tính giá bằng USD) lúc giá USD chưa đến 16,000 đồng/USD.

Đến nay, nhiều nhà đầu tư như anh đang phải rao bán lại căn hộ với giá chỉ còn khoảng 2,100 USD/m2 (đối với các căn hộ đẹp, mặt tiền). Họ cho biết: Mỗi mét vuông đã bị lỗ khoảng 400 USD. Với một căn hộ diện tích 100 m2 thì số tiền lỗ đã lên tới 40,000 USD. Có người góp tiền mua căn hộ được 100,000 USD rồi mà giờ phải rao bán lại, bán rẻ để cắt lỗ, mong thu hồi vốn. Người tiếp tục theo thì ngắc ngoải bởi hiện lãi suất quá cao lại rất khó vay vốn NH, giá USD cũng đã hơn 20,600 đồng/USD...

Dù thị trường căn hộ đang trong lúc khó khăn nhưng tại TP.HCM những dự án cao ốc căn hộ vẫn tiếp tục mọc lên.

Tình trạng bán rẻ để cắt lỗ của các nhà đầu tư BĐS không phải hiếm khi thị trường rơi vào cảnh ế ẩm như hiện nay, nhất là phân khúc căn hộ trung, cao cấp. Nhân viên môi giới dự án BĐS Phú Mỹ Thuận, huyện Nhà Bè cho biết chị đang rao bán gần chục căn hộ thuộc dự án này. Nhiều căn hộ của dự án hiện chỉ còn khoảng 8.7 triệu đồng/m2, thấp hơn 15% so với giá ban đầu. Nhiều nhà đầu tư đang chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn khi nợ NH vẫn chưa trả xong...

Áp lực từ nhiều phía

Nhận định về tình trạng xả hàng (bán tháo, cắt lỗ) của các nhà đầu tư trên thị trường BĐS hiện nay, đại diện một công ty địa ốc nhận xét các nhà đầu tư thứ cấp không chịu nổi lãi suất tăng cao và thị trường căn hộ ế ẩm nên buộc phải xả hàng để có tiền đáo nợ NH.

Phó TGĐ một NH thương mại cổ phần tại TPHCM cho biết hiện nhiều NH đã ngưng các khoản cho vay BĐS đối với công ty địa ốc và cả nhà đầu tư. Đồng thời nhiều NH còn phải đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ phi sản xuất như chứng khoán, vay tiêu dùng và BĐS.

"Đối với các khoản vay BĐS dài hạn do chưa đến hạn nên chúng tôi đang đôn đốc khách hàng trả đúng hạn hoặc trả trước hạn. Trong đó, một số khoản vay dù đã cam kết nhưng chưa giải ngân nay cũng phải ngưng lại" - vị này cho biết.

Nhiều chuyên gia về thị trường nhà đất phân tích tình trạng xả hàng ở các dự án căn hộ cao cấp, trung cấp... phần lớn thuộc về những người đầu cơ, lướt sóng BĐS. Nhà đầu tư dạng này chỉ bỏ ra khoảng 30% vốn gốc và 70% còn lại thường vay NH. Trường hợp BĐS có "sóng", ngay trong giai đoạn còn đóng tiền theo tiến độ, họ có thể bán lại để thu lời (và thường thu lời rất cao nếu tính trên số vốn bỏ ra).

Nhưng gần cả năm nay, triển vọng tăng "sóng" ngày càng mờ mịt, số tiền đóng theo tiến độ phải vay từ NH lại gặp khó khăn buộc lòng họ phải bán cắt lỗ. Trong cơn biến động xấu của thị trường, đương nhiên người có nhu cầu thật cũng bị vạ lây vì không vay được tiền từ NH.

Đưa bất động sản về giá thực

Một chuyên gia kinh tế cho rằng những năm trước, kinh doanh BĐS là ngành siêu lợi nhuận nên thời gian qua tín dụng cũng được "bơm" vào lĩnh vực này quá nhiều thay vì các ngành sản xuất kinh doanh khác. Bằng chứng là thị trường căn hộ dù ế ẩm nhưng các công ty không ngừng xây dựng, tung ra thị trường dự án mới.

Theo thống kê của Savills Việt Nam, quý I/2011 có 14 dự án xây dựng với khoảng 5.000 căn hộ mới được tung ra thị trường, chưa kể 50,000 căn hộ còn đọng từ năm 2010 chưa bán được.

"Nếu xét về tình trạng hiện tại của những nhà đầu tư thì họ đang là nạn nhân. Nhưng nếu xét tổng thể nền kinh tế thì họ cũng đã góp phần đẩy giá BĐS lên cao trước đây khiến cho ngành BĐS không phát triển lành mạnh, tạo ra những khó khăn hiện nay.

Do vậy, nếu chấp nhận trì hoãn một số chính sách tài chính vĩ mô để giúp trực tiếp cho vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến những vấn đề quan trọng hơn, đó là giảm CPI, ổn định kinh tế và lành mạnh hóa hoạt động tín dụng tập trung phục vụ cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Thực trạng trên là thực tế của thị trường BĐS và chúng ta phải chấp nhận để trả nó về đúng giá trị thực của thị trường" - chuyên gia kinh tế này phân tích

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động