"Mắc cạn" với căn hộ chung cư

Cập nhật 31/10/2008 10:00

Hàng loạt phát sinh, tranh chấp giữa chủ đầu tư căn hộ chung cư và khách hàng đang là vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây. Nhìn cho kỹ, suy cho “hết nhẽ” mới thấy khách hàng thường bị chủ đầu tư “chơi ép”.

Bài 1: Khách hàng thiệt đủ đường

Lúc nhà đất “sốt” từng ngày thì việc mua bán căn hộ chung cư ở TP.HCM trở thành một món hời chóng mặt. Lợi nhuận cao nên không mấy người chịu bỏ công tìm hiểu đầy đủ tính chất pháp lý của dự án cũng như các điều khoản ghi trong hợp đồng có hợp lý hay không.

Ngày 28-10, nhiều người đã kéo đến trụ sở của Công ty Vạn Thịnh Hưng, đơn vị quảng cáo bán căn hộ Adonis 2 (khu Nam Sài Gòn), đòi lại tiền đã góp mua căn hộ. Hàng trăm khách hàng khác của dự án Adonis 1 (tại Gò Vấp, của Công ty Vạn Thịnh Hưng) cũng đang khiếu nại đòi phải trả lại tiền vốn góp do dự án này nhiều năm nằm trên giấy, chưa được triển khai dù công ty đã huy động khách hàng đóng từ 50-70% trị giá căn hộ.

Bao giờ mới có nhà?

Dự án Adonis 2 được Công ty cổ phần bất động sản Vạn Thịnh Hưng tung ra đầu năm 2008, thời điểm thị trường vẫn còn trong cơn sốt với mức giá khoảng 1.300-1.800 USD/m2 đối với căn hộ có diện tích trên dưới 100m2. Khách hàng đã đặt cọc 15% trị giá căn hộ để được ký hợp đồng hợp tác đầu tư, nhiều người còn phải trả thêm cả trăm triệu đồng so với giá gốc do sang nhượng lại hợp đồng.

Thế nhưng đến thời điểm góp vốn đợt 2, khi thị trường đã lắng xuống, các khách hàng mới biết tại vị trí dự án được quảng cáo không hề có khu căn hộ cao cấp nào được cấp phép mang tên Adonis 2!

Quy hoạch tại khu Nam Sài Gòn cho xây dựng tối đa 15 tầng nhưng các khách hàng đã được Vạn Thịnh Hưng ký hợp đồng bán căn hộ tới tầng 18. Theo giải thích của Công ty Vạn Thịnh Hưng, Adonis 2 là tên do công ty đặt cho các block căn hộ mà công ty góp vốn đầu tư với Công ty TNHH Nguyên Đô.

Công ty Nguyên Đô cũng chưa chính thức được cấp phép xây dựng dự án mà đang chờ chủ lô đất là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Hồng Quang làm thủ tục chuyển nhượng đất.

Sau khi xảy ra vụ tranh chấp với khách hàng góp vốn, bên Hồng Quang đã có văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng đất cho Nguyên Đô và chấm dứt việc ủy quyền cho công ty này triển khai dự án.



Khách hàng mua căn hộ tại dự án Adonis 2 đòi lại tiền tại
Công ty Vạn Thịnh Hưng - Ảnh: P.P.H.


Khi khách hàng đòi lại tiền góp vốn vào dự án Adonis 2, đại diện Công ty Vạn Thịnh Hưng cho biết chỉ có thể “đền” căn hộ khác cho khách hàng và đưa hai dự án Hoàng Anh Gia Lai 3 (Nhà Bè) và Quốc Cường 2 (khu Nam Sài Gòn) để lựa chọn. Nhiều người không đồng ý mua các căn hộ “đền bù” này vì không biết giá cả, phương thức thanh toán thế nào nên kiên quyết đòi lại tiền vốn góp. Phía chủ đầu tư không “gật đầu”, chỉ hứa hoàn tiền cho các khách hàng mua căn hộ từ tầng 16-18 (các căn hộ được bán khống, không có trong quy hoạch).

Trước đó, nhiều khách hàng nghe thông tin Công ty Vạn Thịnh Hưng đồng ý trả lại tiền góp vốn với điều kiện khách hàng phải mất 30%, chỉ nhận lại 70% số tiền đã góp nên đã kéo đến trụ sở công ty để làm rõ. Nhưng đại diện của Vạn Thịnh Hưng phủ nhận: không có chuyện trả lại vốn góp, chỉ được chuyển sang mua căn hộ theo chỉ định của công ty mà thôi.

Giá giảm khách chịu, giá tăng thì đóng thêm tiền

Nhiều khách hàng bỏ tiền đầu tư các căn hộ cao cấp trúng vào thời điểm giá “bong bóng” bất động sản được thổi lên cao nên giờ này đành ngậm ngùi nhìn tiền của mình vơi đi hằng ngày. Theo tính toán của các công ty bất động sản, trị giá căn hộ có nơi đã bị giảm tới 40-50% so với thời điểm giá cao nhất. Nhiều khách hàng mua các dự án của Hoàng Anh Gia Lai 2, 3 (Nhà Bè) trước đây phải trả giá khoảng 30 triệu đồng/m2 thì nay giá căn hộ chỉ còn 17-20 triệu đồng/m2.

Chị Nguyễn Thu Thảo, một khách hàng mua căn hộ tại dự án BMC Hưng Long (quận 7), buồn bã cho biết: “Lúc căn hộ đang sốt, ngoài khoản tiền 200 triệu đồng chênh lệch trả cho người bán, chúng tôi còn phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đóng 15% tiền trị giá căn hộ, dự định giá tăng sẽ đẩy đi để kiếm lời”.

Khi vừa mua xong thì nhà đất giảm giá. Tới đợt góp vốn tiếp theo, chị Thảo và nhóm bạn không thể nào xoay trở được tiền đóng thêm nên đề nghị chủ đầu tư cho thanh lý hợp đồng. Ngoài việc mất 200 triệu đồng chênh lệch mua căn hộ, chị chấp nhận mất thêm khoản phí hủy hợp đồng. Thế nhưng phía công ty cho biết chỉ cho chị Thảo hủy hợp đồng và trả lại tiền với điều kiện: công ty tìm được khách hàng khác sang nhượng lại hợp đồng.

Các khách hàng góp vốn mua căn hộ Horizon (quận 1) do Công ty địa ốc Fico làm chủ đầu tư thì phải đối đầu với tình trạng khác. Nhiều người đã góp vốn mua căn hộ từ 3-4 năm trước với giá khoảng 13 triệu đồng/m2, thỏa thuận sẽ được bàn giao nhà trong thời gian 30 tháng. Khi ký hợp đồng, khách hàng đã đóng trước 30% trị giá căn hộ. Nhưng sau khi đóng tiền, khách hàng chờ mòn mỏi vẫn thấy công trình thi công với tốc độ... rùa, có lúc ngừng hẳn việc thi công.

Tháng 7-2008, thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng cao, các khách hàng bất ngờ được công ty mời đến để thông báo: phải đóng thêm tiền mới được mua căn hộ. Lý do tăng giá được phía Công ty Fico giải thích “do biến động phức tạp về tiền tệ, vật tư, nhân công nên dự án không tránh khỏi việc tăng giá”.

Tiếp theo, khách hàng nhận được một văn bản “giải quyết việc tạm ngưng thi công dự án Horizon” của chủ đầu tư với nội dung: muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng mua căn hộ, khách hàng phải trả thêm 6 triệu đồng/m2, nếu không phải thanh lý hợp đồng. Như vậy mức giá tăng thêm gần bằng 50% giá gốc.

Các khách hàng đã đồng loạt phản ứng về cách hành xử này của Công ty Fico. Một khách hàng bức xúc: “Dù giá gốc của căn hộ chỉ hơn 13 triệu đồng/m2 nhưng tôi đã phải trả chênh lệch cho người mua trước hơn 1,5 tỉ đồng do mua lại với giá 29 triệu đồng/m2. Giá nhà nay đã giảm mạnh, người mua đã thiệt thòi rất nhiều mà nay bị tăng thêm cả 6 triệu đồng/m2 nữa là hết sức vô lý”.

Trước phản ứng gay gắt của các khách hàng, mới đây Công ty Fico đã gửi một văn bản “xin lỗi” về việc đòi tăng giá quá cao vì hiện nay giá vật tư xây dựng cũng đã giảm rất mạnh. Chủ đầu tư đề nghị khách hàng thông cảm và sẽ tổ chức cuộc họp với khách hàng để thỏa thuận lại mức “trượt giá” này.

Khách hàng có quyền đòi Công ty Fico bồi thường

Qua nghiên cứu “hợp đồng hứa mua, hứa bán căn hộ” giữa Công ty Fico và khách hàng của dự án Horizon, một thẩm phán cho biết công ty đã viện dẫn rất nhiều tình huống để xem là “sự kiện bất khả kháng” nhằm miễn trừ trách nhiệm bồi thường của mình trong trường hợp chậm thực hiện dự án cho khách hàng.

Rất nhiều trường hợp Bộ luật dân sự không hề quy định nhưng chủ đầu tư vẫn coi là sự kiện bất khả kháng. Theo vị thẩm phán này, việc tự ý tăng giá bán của chủ đầu tư cũng là một vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, khách hàng hoàn toàn có quyền kiện đòi chủ đầu tư phải bồi thường.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO