M&A và nước cờ của nhà đầu tư nước ngoài

Cập nhật 08/03/2016 08:44

Sau một thời gian dài trầm lắng, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) bất động sản đã sôi động trở lại kể từ năm 2014 với hàng loạt thương vụ đình đám. Bên cạnh sự tích cực của các đại gia nội là sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những bước đi đầy toan tính.

Những cái bắt tay giữa nhà đầu tư ngoại và doanh nghiệp nội đã góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường bất động sản năm qua. ảnh: Ngọc Tuấn

Sóng ngầm đang nổi

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2015, lĩnh vực bất động sản thu hút được 2,39 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng thứ 3 trong tổng số lĩnh vực hút vốn ngoại.

Trong năm 2015, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A bất động sản lớn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể kể đến thương vụ đình đám như Lotte của Hàn Quốc thâu tóm Diamond Plaza từ doanh nghiệp đồng hương Posco; Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản cam kết rót 200 triệu USD vào CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) để mua lại 20% cổ phần của công ty này và đầu tư vào các dự án triển khai trong thời gian tới theo tỷ lệ 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho An Gia Investment.

Đầu tháng 9/2015, CTCP Năm Bảy Bảy (NBB) đã thực hiện phát hành thành công 210 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Trong 4 nhà đầu tư mua lượng trái phiếu này, có 3 quỹ đầu tư nước ngoài gồm Beira Limited của Duxton Asset Management, Amersham Industries Limited và Vietnam Debt Fund của Dragon Capital, mua tổng cộng 75% khối lượng trái phiếu, tương đương 157,5 tỷ đồng.

Tại phía Bắc, Gaw Capital Partners - một đơn vị quản lý quỹ có trụ sở tại Hồng Kông cũng mua lại 4 dự án lớn của Indochina Land; hay Keppel Land mua lại thành công Dự án Hà Nội Westgate…

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle cho biết, sự nhập cuộc ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua không có gì quá khó hiểu khi nhiều nút thắt được tháo gỡ, đặc biệt là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2014 và một loạt các văn bản hướng dẫn với nhiều điểm cởi mở hơn có hiệu lực.

Còn theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, thời điểm này, các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều quan tâm đối với thị trường bất động sản Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp diễn. Kinh tế được cải thiện, cùng với sự tăng trưởng của tốc độ đô thị hóa, du lịch và bán lẻ đã giúp thị trường bất động sản phát triển mạnh.

Nhập cuộc thận trọng

Dù đã có nhiều thương vụ đình đám trong 2 năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng các chuyên gia cho rằng, xu hướng nhập cuộc thận trọng, dòm ngó thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là xu hướng chủ đạo.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua không phải là đầu tư mới, mà mua lại các dự án đang xây dựng dở, hoặc bắt tay với doanh nghiệp bất động sản nội để phát triển dự án. Lý do là để giảm bớt rủi ro, nhất là khâu thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng và tận dụng sự hiểu biết thị trường của doanh nghiệp nội…

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, với việc nhiều dự án có vị trí đắc địa được triển khai trong giai đoạn trước nhưng do khó khăn của chủ đầu tư phải tạm dừng là cơ hội cho nhà đầu tư ngoại. Việc M&A các dự án này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư và cả nhà đầu tư.

Bổ sung thêm quan điểm của ông Hà, ông Stephen cho biết, đầu tư bất động sản tại các thị trường mới nổi có cơ hội khi sẽ có mức tăng trưởng theo cấp số nhân khi kinh tế các nước này phát triển, nhưng cũng luôn được coi là nơi đầu tư có rủi ro cao. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ kết hợp với nhà đầu tư trong nước có nhu cầu hỗ trợ vốn, nhằm có một chỗ đứng trước tại thị trường này.

Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại về các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp phép đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng… Ngay cả với việc đầu tư qua hợp tác với doanh nghiệp nội và M&A cũng có nhiều vấn đề chưa thể giải quyết.

Báo cáo của Nhóm Công tác đất đai, thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 đã phản ánh sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nội trên thị trường bất động sản Việt Nam. Sự bất bình đẳng này chủ yếu xoay quanh 6 vấn đề chính, như các hạn chế về tiếp cận nguồn vốn, chính sách, công chứng hợp đồng mua bán nhà ở, kinh phí bảo trì, nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản ở Việt Nam, thời hạn góp vốn… Do đó, các nhà đầu tư ngoại tỏ ra thận trọng trong việc ra các quyết định của mình trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản