M&A khách sạn, resort: Rao bán nhiều, bên mua… đủng đỉnh

Cập nhật 07/09/2020 09:32

Không thể gồng gánh các khoản thua lỗ nặng nề do đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, nhiều khách sạn đang buộc phải rao bán.

Một khách sạn 3 sao tại quận 1, TP.HCM với quy mô 110 phòng, 8 lầu đang được rao bán giá với 230 tỷ đồng. Ảnh: Trọng Tín

Hàng loạt khách sạn “bán mình”

Covid-19 khiến tình hình kinh doanh dịch vụ lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách quốc tế không có, trong khi khách trong nước cũng sụt giảm mạnh đang đẩy thị trường khách sạn đối mặt với khủng hoảng vì hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ.

Tại Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn báo lỗ trong nửa đầu năm 2020. Đơn cử, khách sạn 5 sao Sheraton Đà Nẵng lỗ gần 149 tỷ đồng, chuỗi khách sạn của Công ty TTC Hospitality ghi nhận lỗ 6,5 tỷ đồng trong quý II/2020. Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL, do Á hậu Dương Trương Thiên Lý nắm cổ phần chi phối, cũng báo lỗ sau thuế 103 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm.

Ở thị trường TP.HCM, ghi nhận của Công ty Savills cho thấy, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn đạt mức thấp kỷ lục 12% trong quý II/2020. Doanh thu trung bình phòng cũng lao dốc, trong đó phân khúc 5 sao chỉ đạt 95 USD (giảm 20%), phân khúc 4 sao là 51 USD (giảm 20%), còn phân khúc 3 sao chứng kiến mức giảm sâu nhất với doanh thu phòng chỉ 29 USD (giảm 32%).

Việc kinh doanh liên tục thua lỗ khiến phân khúc này đang chứng kiến làn sóng rao bán mạnh mẽ. Liên tục thời gian này, trên các kênh mua bán địa ốc, những thông tin chuyển nhượng, rao bán khách sạn xuất hiện ngày càng nhiều.

Dọc trục đường Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn, hay Bùi Thị Xuân (TP.HCM) - nơi tập trung nhiều khách sạn trung và cao cấp đang được rao bán với mức giá đưa ra thấp hơn nhiều so với trước. Đơn cử, nằm gần vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, khách sạn 3 sao Alagon Saigon Hotel & Spa nằm trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) với quy mô 110 phòng, 8 lầu đang được rao bán giá chỉ với 230 tỷ đồng. Cách đó không xa là đường Võ Văn Tần, một khách sạn 4 sao với 85 phòng nghỉ đang được rao bán với giá 380 tỷ đồng. Đây là mức giá đã được chủ khách sạn giảm 5-10% so với thời điểm cuối năm 2019.

Tuy thị trường đang chứng kiến nhiều dự án rao bán, nhưng ghi nhận từ Công ty Savills Việt Nam cho thấy, hơn nửa đầu năm 2020, không có dự án resort, khách sạn nào được mua bán - sáp nhập (M&A) thành công.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, thị trường không có giao dịch M&A các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay khách sạn tại thị trường Việt Nam, do đây là giai đoạn không chắc chắn trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19.

“Các thương vụ M&A khách sạn, khu resort trong cả năm 2020 được dự báo ít hơn năm 2019 do đây là giai đoạn rất khó để định giá tài sản, cũng như khó dự báo mức độ rủi ro”, đại diện Savills nói và cho rằng, khi diễn biến đại dịch ngày càng trở nên phức tạp, các nhà đầu tư bên mua không thể di chuyển để xúc tiến quá trình đàm phán, cũng là một trở ngại cho quá trình giao dịch do đường bay quốc tế chưa được mở trở lại.

M&A nóng hơn trong thời gian tới

Là người thường xuyên tiếp xúc với nhà đầu tư, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam - công ty chuyên về tư vấn chuyển nhượng, mua bán dự án bất động sản cho biết, hiện có một số nhà đầu tư trong nước với nguồn vốn sẵn có 500 - 600 tỷ đồng đang tìm mua khách sạn 4 - 5 sao vì giá cả đã “mềm” đi đáng kể so với trước dịch. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, theo quan sát chung, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế ở phân khúc 4 - 5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn.

Theo ông Adam Bury, Phó chủ tịch cao cấp bộ phận khách sạn của JLL Việt Nam, làn sóng M&A khách sạn hay khu du lịch sẽ nóng hơn trong những tháng tới. Thị trường có thể diễn ra nhiều thương vụ chuyển nhượng từ chủ đầu tư không chuyên ngành, cũng như từ những khách sạn có quy mô nhỏ và vừa trên cả nước.

“Giai đoạn hậu Covid-19, thị trường có thể chứng kiến một cấu trúc sở hữu mới, mà ở đó, những người chơi sống sót qua giai đoạn này sẽ xây dựng được nền tảng mạnh mẽ hơn để thống lĩnh vị thế dẫn đầu trong tương lai”, ông Adam Bury nhận định.

Trong khi đó, ông Mauro Gasparotti dự báo, trong khoảng 1 - 2 năm tới, mảng khách sạn mới chứng kiến làn sóng M&A mạnh mẽ khi diễn biến và xu hướng của thị trường rõ ràng hơn.

“Trong bối cảnh khó đoán định của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, không thể chắc chắn về thời điểm phục hồi vì phụ thuộc rất lớn vào việc mở cửa đường bay quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang cân nhắc một cách thận trọng việc nối lại các đường bay quốc tế. Thời gian này, chủ đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng buộc phải tự xoay xở để vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Mauro Gasparotti nói.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng đánh giá, đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến khó khăn, thách thức, mà còn mở ra cơ hội để chủ khách sạn, resort đánh giá lại chất lượng sản phẩm, đội ngũ nhân sự, tiến hành tái cấu trúc toàn diện, trong đó có cả việc cơ cấu lại dòng vốn.

“Đây là thời gian quan trọng để các chủ dự án nghỉ dưỡng điều chỉnh chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mới khi các tín hiệu phục hồi xuất hiện”, ông Mauro Gasparotti nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư