M&A giúp hồi sinh nhiều dự án bất động sản

Cập nhật 23/11/2020 13:10

Đằng sau sự khởi động rầm rộ trở lại của nhiều dự án bất động sản lớn thời gian qua có bóng dáng từ hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).

Những dự án “đắp chiếu” đang là đích ngắm của nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. Ảnh: Lê Toàn

“Lột xác”

Trái ngược với sự lo lắng rằng hoạt động M&A bất động sản có thể ảm đạm do ảnh hưởng của Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt dự án được sang tên đổi chủ mới.

Đơn cử, vụ chuyển nhượng 99,99% cổ phần tại Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc - chủ đầu tư Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside (Thủ Đức, TP.HCM) cho Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG Group) hồi tháng 6/2020 là một ví dụ điển hình. Dù giá trị thương vụ không được đề cập, nhưng chắc chắn đó là con số không hề nhỏ.

Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside có thâm niên “ngủ đông” suốt hơn một thập niên (từ năm 2008). Sau khi về tay LDG, dự án này chính thức mang tên Khu căn hộ cao cấp LDG River, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.153 tỷ đồng.

Ngoài LDG Group, thị trường địa ốc còn chứng kiến khá nhiều thương vụ M&A làm sống lại hàng loạt dự án khác. Mới đây, Khu căn hộ cao cấp Hiyori Garden Tower (Đà Nẵng) được Tập đoàn Danh Khôi hồi sinh bằng việc mua 100% vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier (thành viên thuộc Sun Frontier Fudousan Co.,Ltd - một trong những ông lớn bất động sản hàng đầu Nhật Bản).

Đây là khu đất vàng ven sông Hàn mà Sun Frontier Fudousan Co.,Ltd theo đuổi và đã được chính quyền TP. Đà Nẵng chấp thuận đầu tư vào năm 2017. Dự án sau đó được điều chỉnh một số lần và đến năm 2019 đã chính thức được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép xây dựng. Đầu năm 2020, khu đất hơn 3.000 m2 này được rào chắn để triển khai dự án.

Song dự án này vẫn khá im ắng cho đến ngày 23/7/2020, Tập đoàn Danh Khôi công bố mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để chính thức trở thành chủ đầu tư Dự án. Sau khi mua lại dự án này, Tập đoàn Danh Khôi đã bắt tay triển khai dự án với tên gọi mới là The Royal - Boutique & Condo Da Nang (The Royal).

Một thương vụ M&A đình đám khác là thương vụ Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt nhận chuyển nhượng 99% phần vốn góp tại Công ty cổ phần Bến Thành - Long Hải, đơn vị sở hữu các dự án: Wyndham Tropicana Long Hải; Khu du lịch Bến Thành - Long Hải; Villa Long Hải.

Dự án Wyndham Tropicana Long Hải được quy hoạch trên tổng diện tích 12,64 ha. Cách đây gần một năm, Công ty Bến Thành - Long Hải ra mắt dự án và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào quý IV/2021. Còn Dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải được xây dựng trên khu đất rộng 12,5 ha, tọa lạc tại xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Danh sách dự án chờ M&A còn nhiều

Tuy không có nhiều thông tin rầm rộ, nhưng hoạt động M&A dự án bất động sản thời gian qua không ngừng cuộn chảy như những dòng sông ngầm. Bên cạnh các dự án có cơ hội được bơm vốn để hồi sinh, thì thị trường vẫn đang còn hàng dài dự án chờ tái khởi động.

Đầu tháng này, thị trường địa ốc TP.HCM được một phen “mừng hụt” khi siêu dự án Saigon One Tower ngay trung tâm TP.HCM, có vốn đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng, “đắp chiếu” hơn 10 năm có thể được hồi sinh trước thông tin có doanh nghiệp muốn đăng ký đầu tư vào Dự án.

Dự án Saigon One Tower khởi công xây dựng từ năm 2007. Đến năm 2011, khi đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự án bất ngờ bị ngừng thi công. Hiện dự án đang bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower.

Đầu tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, nhưng không ai mua, dù chủ dự án này vay vốn cả gốc lẫn lãi đến thời điểm bị VAMC thu hồi là trên 7.000 tỷ đồng. Do đấu giá không thành công nên VAMC đã bàn giao lại khoản nợ cho phía ngân hàng xử lý.

Mới đây, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TP.HCM xin đầu tư Saigon One Tower. Được biết, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm mới thành lập vào ngày 22/11/2019, trụ sở đặt tại 33 - Đường số 8, khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TP.HCM, với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.

Tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn là… 300 triệu đồng, trong đó, ông Nguyễn Quốc Long nắm 50% cổ phần, là Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty; ông Lê Nguyên Thành nắm 30% cổ phần và ông Lê Quang Ngọc nắm 20% cổ phần. Dù chưa chắc chắn việc đề nghị “hồi sinh” siêu dự án của Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm sẽ đi về đâu, nhưng khi nhìn vào số vốn thành lập, không ít người nghi ngại về số phận lận đận của tòa tháp này.

Một siêu dự án khác cũng đang đợi chờ được hồi sinh là Kenton Node (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Dự án do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư, được khởi công và mở bán năm 2009. Sau đó, chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn, Dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm. Năm 2017, Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng hậu thuẫn từ Ngân hàng BIDV và MSB, nhưng sau hai lần tái khởi động, Dự án vẫn chưa thể hồi sinh. Phía ngân hàng đã thông báo bán đấu giá Dự án để siết nợ.

Sài Gòn One Tower, hay Kenton Node chỉ là hai trong số hàng trăm dự án “chết lâm sàng” trên thị trường địa ốc. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện Thành phố vẫn còn khoảng 500 dự án “đắp chiếu, trùm mềm” và M&A là một trong những phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Thời điểm này là cơ hội cho cả người bán và người mua.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group


Ngày càng có nhiều lời chào hàng xuất hiện trên thị trường, cả từ người bán và người mua, trong đó có các dự án điêu đứng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính và thủ tục pháp lý.

Theo tôi, thời điểm này là cơ hội cho cả người bán và người mua đang săn lùng các dự án mới và giải tỏa gánh nặng tài chính của mình. Chúng ta không thể biết khó khăn của thị trường bất động sản sẽ kéo dài bao lâu, song một điều chắc chắn, M&A vẫn diễn ra thường xuyên.

Thị trường sẽ tích cực và phát triển tốt trong năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam


Tâm lý chung của nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng trong giai đoạn đầu của Covid-19, nhưng đã cởi mở hơn kể từ cuối quý II - khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong nước và khu vực đều cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực địa ốc.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam, các đối tác vẫn đang tìm kiếm dự án tốt, doanh nghiệp tốt để cùng đồng hành. Vì thế, thị trường sẽ tích cực và phát triển tốt trong năm 2021, cho dù thời gian thực hiện giao dịch có thể kéo dài hơn dự kiến.

Chuyển giao giữa doanh nghiệp không chuyên sang doanh nghiệp đi đường dài.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM


Thị trường bất động sản thời gian qua đã có sự chuyển giao khá mạnh giữa các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp đi đường dài. Sự chuyển giao này là vô cùng cần thiết, làm tăng tính thanh khoản của thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường.

Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án bài bản, đồng bộ. Những năm trước, có khá nhiều dự án từng bị “trùm mền” hàng chục năm trời, nhưng chính nhờ sự chuyển giao trên thị trường đã biến những dự án trùm mền thành khu dân cư hiện đại.

M&A là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Danh Khôi


M&A là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất cũng như giúp thị trường tự tái cấu trúc. Tuy nhiên, dù một số cơ hội đang mở ra nhưng cuộc đua đất đai vẫn rất gay go. Các chủ đầu tư muốn dấn thân vào cuộc chơi M&A phải có nguồn tài chính mạnh và chiến lược phát triển dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông và đô thị hiện tại của chính quyền địa phương.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư