M&A bất động sản: Cuộc săn lùng dự án mới chỉ bắt đầu

Cập nhật 27/07/2018 14:24

6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục sôi động với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và công nghiệp.


24% cổ phần tòa nhà Sun Wah đã được bán cho Nomura Real Estate Development

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc thị trường vốn tại Việt Nam của JLL cho biết: “Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với lợi thế về khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm - hợp tác cùng với cộng đồng doanh nghiệp địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đồng thời, JLL cũng ghi nhận sự gia tăng hiện diện trong các giao dịch M&A bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc, bên cạnh sự gia tăng giao dịch thâu tóm bất động sản đến từ nhà đầu tư trong nước.

Năm 2018 khởi đầu với giao dịch tòa nhà văn phòng Sun Wah, thực hiện bởi Nomura Real Estate Development. Theo thông cáo báo chí phát đi vào tháng Giêng năm nay, Nomura đã công bố chính thức mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng Hạng A có vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM này.

Sau dự án “Phú Mỹ Hưng Midtown” tại quận 7, TP.HCM, tòa nhà Sun Wah là dự án thứ hai của Nomura tại Việt Nam, và cũng là dự án văn phòng đầu tiên của tập đoàn này. Thương vụ này chứng minh sự quan tâm mạnh mẽ và cam kết lâu dài của Nomura đối với thị trường trong nước.

Phân khúc nhà ở tiếp tục sôi động với 5 giao dịch M&A đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm. Tháng Ba vừa qua, CapitaLand công bố công ty con của tập đoàn là CVH Nereus Pte. Ltd. đã mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hiền Đức Tây Hồ, khoảng 685 tỷ đồng (tương đương 29,8 triệu USD).

Hiền Đức Tây Hồ sở hữu một khu đất  rộng 0,9 ha ở quận Tây Hồ, Hà Nội, dự kiến sẽ được phát triển thành dự án phức hợp với chức năng nhà ở, căn hộ kết hợp văn phòng và khối đế bán lẻ.

Một thương vụ phát triển nhà ở phức hợp lớn khác hoàn thành trong tháng 6/2018 là việc thoái vốn của Keppel Land tại dự án phát triển của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát ở quận 2, TP.HCM. Công ty TNHH Keppel gần đây đã công bố trong thông cáo báo chí việc công ty con Keppel Land Limited, thông qua các công ty thuộc sở hữu của mình như Công ty TNHH Keppel Land Thủ Thiêm và hữu gián tiếp là Công ty TNHH Orbista đã ký kết thỏa thuận mua bán để thoái vốn tại Quốc Lộc Phát với giá 702 tỷ đồng (tương đương 30,6 triệu USD).

Sau khi giao dịch hoàn tất, Keppel Land Limited sẽ nắm giữ 15% lợi nhuận trong Quốc Lộc Phát thông qua Orbista. Theo đó, khi hoàn thành giao dịch nói trên, Keppel Corporation Limited dự kiến sẽ thoái vốn gián tiếp 15% cổ phần còn lại trong QLP được sở hữu thông qua công ty con Oil Asia, nắm giữ 100% cổ phần lợi nhuận trong Orbista. Thông cáo chi tiết hơn sẽ được công bố bởi Công ty TNHH Keppel Corporation về việc thoái vốn tiếp theo.

Cũng trong Tháng Sáu, Berjaya Land Berhad của Malaysia công bố công ty con của họ là Berjaya Leisure Cayman Limited đã thoái toàn bộ 32,5% số vốn góp vào Berjaya Việt Nam Financial Center Limited (BVFC), chuyển giao cho Công ty cổ phần Vinhomes và Tổng công ty Du lịch Cần Giờ với khoản chi phí được cân nhắc là 884,9 tỷ đồng (tương đương 38,4 triệu USD). Trước khi thoái vốn tại BVFC, khoản vốn góp của Berjaya Leisure Cayman Limited là 967,3 tỷ đồng (tương đương 42 triệu USD), chiếm 100% vốn điều lệ BVFC.

Tuy nhiên, trong tháng 3 năm 2018, Vinhomes đã rót vốn mới 2.008,7 tỷ đồng (tương đương 87,3 triệu USD) theo các điều kiện của chính phủ Việt Nam, dẫn đến việc Berjaya Leisure Cayman Limited nắm giữ vốn điều lệ của BVFC giảm từ 100% còn 32,5%.

Theo thông cáo báo chí mới nhất, BVFC phát triển các dự án bao gồm tòa nhà văn phòng, khách sạn 5 sao, khu dịch vụ và trung tâm mua sắm trên mảnh đất rộng 6,64 ha tại quận 10, TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa chính thức hoạt động.

Bên cạnh đó, thông báo tương tự phát đi từ Berjaya Land Berhad vào ngày 4/6/2018 cho biết, Vingroup và các chi nhánh của công ty có khả năng sẽ mua lại Công ty TNHH Một thành viên Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (BVIUT) sau khi đã rót 11,904 tỷ đồng (tương đương 518 triệu USD) vào doanh nghiệp này vào tháng 12 năm ngoái.

Để tăng tính hiệu quả, Tập đoàn đã tăng cổ phần của mình trong công ty nói trên lên 99,2%. Cổ phần ban đầu của Berjaya Leisure Cayman Limited tại BVIUT đã giảm từ 100% xuống 0,8% và công ty có ý định thoái vốn số cổ phần còn lại trong thời gian sớm nhất.



Một số thương vụ M&A nổi bật nửa đầu năm 2018 - Nguồn: Real Capital Analytics

Theo bà Khanh Nguyễn, nhìn vào bức tranh toàn cảnh thị trường có thể kỳ vọng sự tăng trưởng liên tục thông qua tất cả các loại hình tài sản. Phân khúc Khách sạn khá sôi nổi trong năm qua với việc các quỹ đầu tư nước ngoài mới quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực này. JLL dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục, cũng như trong các lĩnh vực đang phát triển khác như công nghiệp và lĩnh vực thay thế như giáo dục.

Bên cạnh đó, thị trường nhà ở bình dân cũng là một lĩnh vực phát triển quan trọng, hiện đang thu hút các nguồn vốn chuyên biệt dựa trên các nền tảng cơ bản như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Chuyên gia từ JLL kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và cam kết đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản đang phát triển ở Việt Nam, cả các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và nhà đầu tư tiềm năng, những người đang tích cực săn lùng các dự án sạch và minh bạch, có thể đáp ứng các điều kiện giao dịch và kỳ vọng lợi nhuận cần thiết.

“Do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực, chúng tôi kỳ vọng các hoạt động M&A sẽ xác lập mức kỷ lục mới trong năm 2018”, bà Khanh Nguyễn cho hay. 

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng