"Bảo tồn mà không gắn với sự phát triển thì bảo tồn làm cái gì?" và nói nếu không cho khoan vài cọc bêtông "thì có nước đóng bè thả trôi như các cụ ngày xưa thôi".
Khu vực dự án nằm cạnh một vùng trầm tích núi lửa dày đặc, trong đó có cổng Tò Vò, chùa Đục, miệng núi lửa Giếng Tiền… Ảnh: TRẦN MAI
|
Tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất về mặt chủ trương cho phép Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án resort tại huyện đảo Lý Sơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại dự án này sẽ làm ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Lý Sơn, đặc biệt là công viên địa chất toàn cầu đang trong thời gian hoàn tất hồ sơ để được UNESCO công nhận.
Dự án có diện tích khoảng 70ha, gồm 20ha âu tàu và 50ha mặt nước hướng biển, nằm trong khu bảo tồn biển Lý Sơn và công viên ĐCTC Bình Châu.
Đây cũng là khu vực tập trung nhiều danh thắng địa chất của đảo Lý Sơn như chùa Đục, cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiền... từng được UBND tỉnh Quảng Ngãi "khoanh vùng" làm khu bảo tồn biển Lý Sơn và Sở NN&PTNT có đề án bảo tồn rong biển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc VIID chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết dự án chỉ có dãy nhà liền kề duy nhất sát khu dân cư, còn lại 80% mặt nước là thiết kế các nhà nổi.
Theo đó, chủ đầu tư dự kiến 2 phương án, một là làm những nhà nổi bằng vật liệu composite, neo tại một vị trí nhất định.
Phương án 2 là khoan các cọc bêtông, mỗi nhà nổi có 6-8 cọc. Với 50ha mặt nước, chủ đầu tư dự kiến xây 70-100 water villa hướng biển.
"Cấu kiện nhà dù làm bêtông hay gì cũng chỉ ở trên mặt nước, không đụng chạm vào nền địa chất, không san lấp lấn biển" - ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, "bảo tồn mà không gắn với sự phát triển thì bảo tồn làm cái gì?". "...Khoan vài cái cọc xuống mà bảo không bảo tồn thì cũng chịu. Không cho thì có nước đóng bè thả trôi như các cụ ngày xưa thôi. Nếu như vậy mà không được nữa thì chúng tôi thôi dự án, không làm nữa" - ông Tuấn nói.
Theo tiến sĩ Vũ Thế Long, chuyên gia cổ sinh vật học và môi trường Viện Khảo cổ học, một dự án có diện tích đến 70ha là rất lớn đối với một hòn đảo nhỏ như Lý Sơn.
Nhất là vị trí xây dựng trên mặt nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô và các tầng địa chất núi lửa.
"Đừng để khi chúng ta hoàn tất hồ sơ để được UNESCO công nhận nhưng Lý Sơn bị phá hỏng" - ông Long khuyến cáo.
PGS.TS Vũ Cao Minh, Tổng hội Địa chất Việt Nam, cho rằng với vẻ đẹp và giá trị địa chất xứng tầm thế giới, việc được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu là sớm muộn.
Khi đó, việc phê duyệt quy hoạch, xây dựng bất kỳ hạn mục gì cũng do Thủ tướng quyết định. Một số khu vực địa chất còn cần có sự đồng ý của Unesco.
"Hãy tử tế với Lý Sơn. Hãy giữ nguyên, đừng đụng đến quá vội vàng", PGS.TS Minh nhận định.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, ngoài khu bảo tồn biển và công viên địa chất toàn cầu đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận, khu vực này còn có một quần thể núi lửa, rạn san hô và các giá trị văn hóa, lịch sử khác...
"Chính quyền có thể đánh giá đây là một dự án đầu tư phát triển rất lớn, rất quan trọng, nhưng cần biết rằng nó sẽ phải được rà soát, điều chỉnh một khi được công nhận công viên địa chất toàn cầu" - ông Văn khuyến cáo.
Du khách đến Lý Sơn vì những giá trị di sản
Địa phương cần đầu tư phát triển du lịch, nhưng trước hết hãy phân tích xem đối tượng du khách sẽ là ai.
Du khách đến Lý Sơn vì những giá trị di sản, chứ không vì tiện nghi 5 sao hay vì nó là một trung tâm shopping.
Do đó, cần hướng đến gìn giữ một môi trường tốt, một hệ sinh thái tốt, nguyên sơ nữa thì càng tốt.
Theo tôi, việc cần thiết là làm thế nào để được UNESCO công nhận, sau đó rà soát điều chỉnh quy hoạch rồi xây dựng công viên địa chất toàn cầu theo định hướng phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, khuyến khích du lịch sinh thái, du lịch di sản...
Đây mới là định hướng bền vững, lâu dài.
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ