Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB)? Đó là câu hỏi rất… cũ đối với chính quyền các địa phương. Chỉ có điều, câu hỏi cũ ấy, không phải địa phương nào, chủ đầu tư và dự án nào cũng "giải" được tốt. Dù kết quả luôn có sẵn, là làm sao đền bù, hỗ trợ tốt nhất cho người bị thu hồi đất trên cơ sở các cơ chế, chính sách đang áp dụng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác GPMB cho các dự án trên địa bàn thành phố Hải Phòng vừa tổ chức thời gian gần đây, đại diện Cty Thương mại, đầu tư và phát triển đô thị (TM-ĐTPTĐT) - doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố Hải Phòng - đã đề nghị bổ sung không ít điểm mới, để có thể đảm bảo tối đa quyền lợi của người bị thu hồi đất khi GPMB.
Trong đó, có những kiến nghị... vô cùng hợp lý. Chẳng hạn: hiện khoản tiền hỗ trợ chuyển nghề thường được trả thẳng cho người bị thu hồi đất với giá trị thường không cao. Trong đa số các trường hợp, người dân thường tiêu... hết khoản tiền này.
Như vậy, sau khi đã bàn giao đất, coi như bà con... trắng tay, không còn tư liệu sản xuất, cũng không có nghề nghiệp để mưu sinh. Kết quả cuối cùng sẽ là Nhà nước tiếp tục phải giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, nhân đạo đối với các hộ dân này, dù trước đó đã chi trả hỗ trợ đầy đủ.
Hoặc người dân sẽ tái lấn chiếm diện tích đã bàn giao cho dự án để tiếp tục.. "đòi" các khoản hỗ trợ mới. Thậm chí, không ít trường hợp sẽ phạm tội vì không có nghề nghiệp, không có công ăn việc làm.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Giám đốc TM-ĐTPTĐT, Nhà nước cần định hướng lại việc hỗ trợ khoản tiền này cho người dân theo hai tiêu chí.
Thứ nhất: tăng giá trị hỗ trợ chuyển nghề hơn nhiều lần so với trước đây, để đảm bảo người dân có thể học và tìm kiếm được thu nhập từ nghề mới. Thứ hai: không trả trực tiếp khoản tiền này cho người dân. Mà, nếu người dân đăng ký học nghề, thì Nhà nước trả thẳng tiền này cho nơi đào tạo.
Ngược lại, trường hợp người dân không học nghề, thì khoản tiền này sẽ được gửi tiết kiệm, hoặc chi trả như một khoản thu nhập, kiểu như lương hưu, để bà con có thể "lĩnh"... hàng tháng. "Vấn đề đặt ra là phải nâng được hiệu quả cả về lượng và chất của khoản hỗ trợ chuyển nghề" - chứ không phải chỉ chi trả... đúng quy định cho xong - ông Hậu nói.
Hiện nay, giá đất tại các địa phương được ban hành hàng năm với chênh lệch rất lớn so với giá đất 5 năm trở về trước. Thực tế này là một lực cản đối với GPMB.
Chẳng hạn, tại dự án xây dựng khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) được phê duyệt từ năm 2002 (trước khi quy định công bố giá đất hàng năm có hiệu lực) đang tồn tại nghịch lý.
Đó là những hộ dân chấp hành tốt quyết định thu hồi đất của Nhà nước, sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thì lại thiệt thòi rất lớn về giá trị đền bù so với những hộ "câu giờ", chậm bàn giao mặt bằng.
Nguyên nhân do chênh lệch giá đất hàng năm là quá lớn. Do nguyên nhân này, thời gian gần đây việc GPMB cho dự án khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi gần như... giậm chân tại chỗ.
Theo kiến nghị của nhiều cán bộ, Nhà nước nên ổn định giá đất trong thời gian ít nhất 5 năm mới điều chỉnh một lần. Cách làm này sẽ góp phần hạn chế các kiểu "câu giờ" chờ tăng giá đền bù của người dân.
Mặt khác, các quy định liên quan tới đơn giá xây dựng áp dụng trong GPMB hiện đang bị chính các cán bộ tham gia kiểm kê, tính toán phương án đền bù, GPMB các dự án "kêu" nhiều nhất.
Một cán bộ BQL dự án khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi cho biết, nhiều trường hợp nhà của người dân đã xây nhiều năm, khi áp giá đền bù lại phải áp dụng đơn giá đã ban hành từ nhiều năm trước.
Do vậy đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Về bản chất, nếu áp dụng cứng nhắc đơn giá này, người dân gần như không còn "cơ hội" xây nhà mới sau khi bị thu hồi đất. Và đó là lý do người dân tìm mọi cách tránh mặt, không cho cán bộ đo đạc, kiểm tra vật kiến trúc trên đất nhà mình.
Đặc biệt trong thời gian đơn giá xây dựng và nguyên vật liệu xây dựng biến động liên tục theo hướng tăng cao như hiện tại. Kiến nghị đưa ra, là cần cho phép tính toán đơn giá xây dựng để đền bù vật kiến trúc sát với giá thị trường tại thời điểm thu hồi thực tế.
Nếu đền bù mà chi phí lại không đủ để người dân có nơi ở mới, thì khó có thể nói đó là phương án đền bù công bằng, dân chủ. Cũng có nghĩa, là một dự án chỉ thực được coi là hiệu quả, nếu trước đó nó làm... lợi cho người dân bị thu hồi đất. Ích nước luôn gắn chặt với lợi nhà là vì lẽ ấy.