Lưới điện băm nát “đất vàng”

Cập nhật 06/09/2009 09:40

Rừng cột điện và dây điện dọc đường Nguyễn Hữu Thọ hướng về Q.7 nhìn từ cầu Rạch Đỉa 2 - Ảnh: Q.Khải.

Nhiều khu đất lẽ ra là “đất vàng” nhưng đã bị các đường dây điện cắt ngang, xén dọc khiến “đất vàng” mất giá trị. Sắp tới, TP.HCM phải chi nhiều tỉ đồng chỉ để di dời, ngầm hóa các tuyến dây này để có đất xây dựng khu đô thị mới.

Ra các huyện ngoại thành TP.HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi... đâu đâu cũng thấy lưới điện cao thế (110-500kV) giăng ngang dọc.

“Mất” hàng triệu mét vuông!

Tốn tiền tỉ

Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình di dời lưới điện qua khu Nhà Bè Metrocity của Sở Công thương TP, phải đầu tư xây dựng mới 17km dây điện cao thế, trong đó hơn 9,3km phải đi ngầm, số còn lại đi nổi. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 998 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 821 tỉ đồng, chi phí bền bù, tái định cư hơn 26 tỉ đồng, chi phí thiết bị hơn 15,5 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác gần 35 tỉ đồng...

Ở sát khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Q.7), các xã Phước Kiểng, Nhơn Đức, Phước Lộc... của huyện Nhà Bè đang thu hút nhiều nhà đầu tư do nằm ở vị trí đẹp, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, hướng phát triển về phía nam của TP đang gặp nhiều trở ngại do không gian của Nhà Bè đang bị băm nát bởi hệ thống lưới điện cao thế.

Tương tự, đường Nguyễn Hữu Thọ từ đoạn cầu Rạch Đỉa về phía Hiệp Phước dọc hai bên đường là hai hàng cột điện chạy dài hàng cây số. Mỗi cột điện treo hơn chục sợi cáp điện. Càng gần đến trạm biến áp 110kV và 500kV Nhà Bè (góc Phạm Hữu Lầu - Nguyễn Hữu Thọ) thì lưới điện càng chằng chịt vì có nhiều đường dây cao thế khác dẫn vào trạm biến áp. Không gian tại khu vực này gần như bị bao trùm bởi một tấm lưới dây điện khổng lồ.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Nhà Bè, hiện trên địa bàn huyện có 11 đường dây điện cao áp (110-500kV) đi qua sáu xã và một thị trấn của huyện. Trong đó xã Phước Kiển có nhiều lưới điện nhất do tại đây đặt các trạm biến áp (các đường dây cao thế phải dẫn vào trạm biến áp). Ông Bùi Hòa An, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết: “Tôi đã giật mình khi thống kê lại diện tích chiếm đất của 11 đường dây điện lên đến gần 2,2 triệu m2. Chưa dừng lại ở đó, đang có thêm bốn dự án phát triển đường dây điện ở các xã Phước Kiểng, Long Thới, Nhơn Đức... sẽ được triển khai trong nay mai”. Theo ông An, bốn dự án trên sẽ lấy thêm của Nhà Bè hơn 240.000m2 đất nữa. Như vậy với 15 dự án đường dây điện trên đã chiếm của Nhà Bè hơn 240ha đất!

Lưới điện không chỉ xé nát “đất vàng” tại khu Nam Sài Gòn mà cũng giăng nhiều nơi ở khu vực ngoại thành. Tại Củ Chi, đi dọc tỉnh lộ 15, quốc lộ 22..., nhiều đường dây điện cao thế giăng ngang dọc. Trên tỉnh lộ 15 (đoạn gần cầu Bến Nẫy) có hai hàng cột điện 110kV mang theo nhiều dây cáp điện băng ngang đường, trong đó phần chiếm đất (chiều ngang) hai hệ thống đường dây này khoảng 30m và chạy dài hàng chục cây số.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, một người dân có đất nằm phía dưới đường dây, cho biết đường dây điện đi qua phần đất của ông khoảng 1.600m2. Ngoài phần diện tích đất nằm dưới đường dây bị hạn chế xây dựng thì phần đất xung quanh cũng bị ảnh hưởng. “Trong khi giá thị trường mặt tiền tỉnh lộ 15 khoảng 5 triệu đồng/m2, tôi kêu bán 2,5 triệu đồng/m2 nhưng nhiều người lắc đầu, không dám mua đất gần đường dây điện. Phải chi ngành điện cho ngầm hóa những đoạn mặt tiền đường thì đỡ khổ cho dân quá” - ông Cẩn nói.

Ngoài các khu dân cư, tại huyện Củ Chi có hai đường dây điện cao thế 500kV đi xuyên qua Khu công nghiệp Tân Phú Trung một đoạn dài. Tại địa bàn huyện Bình Chánh cũng có gần 70km đường dây điện cao thế từ 110-500kV đi ngang, trong đó một số khu đất có vị trí đẹp thuộc khu Nam Sài Gòn. Ở quận Bình Tân, đoạn gần Khu công nghiệp Tân Tạo có trạm biến áp 110kV và từ đây nhiều đường dây điện ngang dọc cung cấp điện cho các nơi, chiếm diện tích đất khá lớn...

Gần 1.000 tỉ đồng để dời lưới điện


Theo quy hoạch, TP sẽ xây dựng tại Nhà Bè khu đô thị Nhà Bè Metrocity với diện tích hơn 320ha. Tuy nhiên khu đất này đang có ba tuyến dây 110kV, 220kV, 500kV vắt ngang với chiều dài nhiều cây số. Để có đất xây dựng khu đô thị này, TP tính toán phải chi gần 1.000 tỉ đồng để di dời và ngầm hóa các đoạn dây trên. Dự kiến giữa năm tới sẽ triển khai công việc này và hoàn thành cuối năm 2011.

Khi quy hoạch các đường dây điện, cơ quan chức năng có tính đến chuyện đường dây điện qua các khu “đất vàng”? Ông Nguyễn Tiến Hải, trưởng Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (thuộc Tập đoàn Điện lực VN), cho biết quy hoạch hệ thống lưới điện thường được tính trước từ 5-10 năm và trước khi triển khai các dự án, ngành điện đều có thỏa thuận hướng tuyến với các cơ quan chức năng của địa phương. Riêng thời điểm phát triển lưới điện tại huyện Nhà Bè, lúc đó khu vực này chưa có quy hoạch cụ thể và cũng chưa hình dung được tốc độ đô thị phát triển nhanh như hiện nay để điều chỉnh đường dây điện “né” các đô thị.

Tuy nhiên ông Hải cũng cho rằng nếu có tính được quy hoạch như hiện nay và ngầm hóa các tuyến dây thì khi đó cũng không đủ tiền để thực hiện vì chi phí đi ngầm gấp nhiều lần đi nổi.

Còn Viện Quy hoạch - xây dựng TP cho rằng hướng tuyến các đường dây điện đặt tại Nhà Bè tương đối đảm bảo theo yêu cầu của TP là chạy theo các tuyến giao thông, kênh rạch. Theo một cán bộ của viện, thời điểm phát triển lưới điện TP dự kiến phát triển đô thị chỉ từ khu vực Phú Mỹ Hưng trở lại, chưa có ý tưởng mở rộng về hướng khu nam như hiện nay. Do vậy nếu yêu cầu phải làm ngầm thì TP cũng chưa thể xác định ngầm ở những đoạn nào vì quy hoạch lúc đó chưa rõ ràng.

Trong khi đó, theo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam, gần đây khi quy hoạch lưới điện ngành điện cũng tính đến việc gom các đường đây đi cùng một trụ để hạn chế diện tích đất phải thu hồi. Tuy nhiên cách làm này chỉ thích hợp với các đường dây cùng hướng tuyến, còn các đường dây lệch hướng sẽ khó thực hiện.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO