Lúng túng với đại lộ Đông Tây

Cập nhật 04/09/2009 08:55

Nhiều người vẫn vô tư chạy ngược chiều vào ĐLĐT - Ảnh: D.Đ.Minh

Đại lộ Đông Tây (ĐLĐT) TP.HCM mới được thông xe giai đoạn 1, nhưng nhiều người dân lúng túng, không biết phải đi lại ra sao, chưa biết những con đường nào được phép ra, vào đại lộ.

18 vị trí kết nối


ĐLĐT là tuyến đường đi xuyên tâm thành phố, từ QL1A (H.Bình Chánh) đi qua các quận, huyện: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 5, 1, và Q.2, tổng chiều dài toàn tuyến là 21,89 km.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho phép xe tải có tải trọng dưới 2,5 tấn được phép lưu thông từ 8 -16 giờ và từ 20 - 6 giờ. Đối với xe tải có tải trọng từ 2,5 tấn trở lên và xe tải có tổng trọng tải trên 5 tấn chỉ được lưu thông từ 21 giờ - 6 giờ. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông khu vực cầu chữ U nối từ Q.6 sang Q.8 khi thông xe ĐLĐT, Sở GTVT TP.HCM cấm tất cả các phương tiện giao thông lưu thông trên cầu này. Các loại phương tiện giao thông có nhu cầu lưu thông từ Q.6 sang Q.8 và ngược lại sử dụng cầu Chà Và để thay thế.

Giai đoạn 1 của dự án được thông xe là gói thầu số 6 (xây dựng đường phía tây và mở rộng đường ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé), chiều dài tổng cộng 13,38 km (từ QL1A đến cầu Calmette, Q.1). Đường có vận tốc thiết kế 80 km/giờ, nhưng hiện nay các phương tiện giao thông chỉ được phép lưu thông với tốc độ như đường nội thị.

Ngoại trừ 2 ngã tư lớn có bố trí đèn tín hiệu giao thông là ngã tư giữa ĐLĐT với đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) và với đường An Dương Vương (Q.8), tất cả các ngã tư khác đều là cầu vượt. Do vậy, xe từ Q.1 ra đến QL1A chỉ gặp phải 2 chốt đèn tín hiệu giao thông.

Ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ĐLĐT và Môi trường nước TP.HCM cho biết, từ QL1A vào Q.1 có tổng cộng 39 vị trí kết nối ĐLĐT với các con đường hiện hữu. Tuy nhiên, chỉ mới có 18 vị trí đã được kết nối là: QL1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Bình Tiên, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Bình Tây, Chu Văn An, Gò Công, Phùng Hưng, Nguyễn An Khương, Nhiêu Tâm, Tản Đà, An Bình, Trần Bình Trọng, Nguyễn Cảnh Chân, Hồ Hảo Hớn, Phó Đức Chính. Trừ đường Phó Đức Chính là điểm kết nối 1 chiều (xe chỉ được phép chạy từ ĐLĐT ra đường Phó Đức Chính mà không được phép chạy chiều ngược lại), tất cả các điểm kết nối còn lại đều cho xe chạy 2 chiều ra - vào.
 

Khắc phục sự cố

Hôm qua, vết nứt vách che đầu dầm cầu vượt bộ hành đại lộ Đông Tây vẫn còn được phủ bạt để chờ sửa chữa. Phần đường chính dưới cầu vượt này, phía bờ kênh, nơi ngày 2.9 bị cô lập lại do sự cố, hôm qua đã cho phép lưu thông bình thường, chỉ trừ một đoạn khoảng 30m trong phạm vi trụ cầu được rào lại. Ông Vương Hoàng Thanh cho biết, tối 3.9, xe cẩu đến cẩu các thanh dầm xuống, sau đó kiểm tra gối đệm cao su (nếu hư hỏng sẽ cho thay), rồi đổ lại vách bê tông này, sau đó gác lại các thanh dầm. Thời gian khắc phục khoảng 2 ngày. Như Thanh Niên đã đưa tin, ngay sau khi thông xe giai đoạn 1 ĐLĐT vào trưa 2.9, cầu vượt bộ hành thuộc dự án, nằm trên đoạn ngang với đường Nhiêu Tâm, gần chợ Hòa Bình (Q.5) đã bị nứt bê tông tại vách che 2 đầu dầm của trụ giữa đường.

Vết nứt trên cầu vượt bộ hành trên ĐLĐT xảy ra vào ngày 2.9 - Ảnh: D.Đ.Minh Giai đoạn 2 của dự án, tuyến ĐLĐT sẽ trực tiếp đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) qua đường hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm).

Theo ông Vương Hoàng Thanh, giai đoạn 1, ĐLĐT cho lưu thông trên trục đường chính có 6 làn xe, gồm 4 làn ô tô (mỗi bên 2 làn) và 2 làn xe hỗn hợp (mỗi bên 1 làn). Trong trục đường chính là 2 con đường dân sinh ở 2 bên. Đoạn đầu từ QL1A đến cầu Lò Gốm, mỗi bên đường dân sinh có 2 làn xe, lưu thông 1 chiều. Từ cầu Lò Gốm đến Q.1 mỗi đường dân sinh có 1 làn, nhưng cho phép lưu thông 2 chiều, chủ yếu phục vụ dân cư trong khu vực. Hiện nay, từ cầu Lò Gốm vào Q.1 có nhiều đoạn đường dân sinh đang thi công, chưa hoàn chỉnh, nên chưa cho xe lưu thông. Từ nay đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành, khi đó, xe từ đường dân sinh muốn vào trục đường chính, phải di chuyển đến những nơi được phép vào hoặc phải đến đầu giao lộ có đèn tín hiệu giao thông để đi vào đường chính.

Chạy loạn xạ!

Trên tuyến ĐLĐT có nhánh đường đi lên cầu Calmette, chỉ cho xe lưu thông 1 chiều theo hướng từ ĐLĐT lên cầu, để rẽ phải về hướng Q.4. Xe đi từ đường Calmette (Q.1), đi lên gần giữa cầu Calmette sẽ gặp nhánh đường này. Ở trên cầu đã có 2 biển báo: 1 biển cấm rẽ phải vào nhánh đường lên cầu và 1 biển báo cấm vào đường 1 chiều.

Thế nhưng, 2 ngày qua, nhiều người vẫn vô tư cho xe chạy ngược chiều từ cầu Calmette xuống ĐLĐT. Trên đường Phó Đức Chính (Q.1), xe cũng vô tư chạy vào ĐLĐT, mặc dù nơi này chỉ cho phép xe chạy theo chiều từ ĐLĐT ra đường Phó Đức Chính. Nguyên nhân là do nhiều người đi đường không quan sát biển báo, nhưng cũng có rất nhiều người thiếu thông tin, rất lúng túng, không biết phải đi đứng ra sao, cũng như chưa biết những đường nào được phép ra, vào đại lộ.

Trên tuyến đường chỉ mới thấy có các biển báo chỉ dẫn hướng đi, chứ chưa có biển thể hiện các điểm kết nối, khiến nhiều người không biết đường nào để rẽ ra khỏi ĐLĐT. Trong khi đó, lực lượng hướng dẫn chỉ phục vụ tại thời điểm thông xe trưa 2.9 rồi thôi, không còn thấy bóng dáng đâu cả. Ông Vương Hoàng Thanh cho biết, Ban quản lý dự án đang báo cáo Sở GTVT TP việc bàn giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 và số 4 để quản lý đoạn đường này, đồng thời sẽ có công văn đề nghị lực lượng CSGT và Thanh tra GT hỗ trợ việc tuần tra, kiểm soát giao thông trên tuyến đường.

Vì sao thông xe khi đường dân sinh chưa hoàn chỉnh?

Có nhiều ý kiến thắc mắc của người dân xung quanh việc thông xe giai đoạn 1 dự án ĐLĐT. Ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án ĐLĐT và Môi trường nước TP.HCM đã trả lời:

* Thưa ông, vì sao thông xe đoạn đường này vào dịp lễ Quốc khánh 2.9, trong khi đường dân sinh chưa được xây dựng hoàn chỉnh?

- Lẽ ra đường dân sinh đã xong lâu rồi, nhưng do có quá nhiều các công trình ngầm bên dưới phải di dời, nên việc thi công bị chậm. Tuy nhiên, đường dân sinh chỉ phục vụ cho dân cư bên đường, mục đích để tạo thuận lợi cho bà con kinh doanh buôn bán, nên việc chậm hoàn thành cũng không ảnh hưởng đến việc thông xe tuyến đường chính. Sắp tới, đoạn đường dân sinh nào xong, sẽ đưa vào sử dụng ngay đoạn đó. Còn việc thông xe 6 làn của trục đường chính vừa qua là để giải quyết bức xúc của người dân TP trước tình trạng ùn tắc giao thông. Đưa vào sử dụng sớm ngày nào là tốt ngày đó, chứ nếu chờ đến tháng 12.2009, khi hoàn thành đường dân sinh mới thông xe thì lãng phí.

* Con đường này được thiết kế cho xe chạy tốc độ 80 km/giờ, nhưng sao lại chỉ cho phép chạy với tốc độ như đường nội thị?

- Khi hoàn thành toàn bộ tuyến đường, Sở GTVT sẽ có quyết định về tốc độ theo loại đường đại lộ đi xuyên qua đô thị. Ban quản lý dự án không có thẩm quyền quyết định vấn đề này.

* Vì sao tới giờ này, các biển báo, biển chỉ dẫn trên đường vẫn chưa có đầy đủ?

- Chúng tôi đang phối hợp với Sở GTVT tiến hành bổ sung, điều chỉnh lại các biển báo, biển chỉ dẫn để người dân đi lại thuận tiện hơn.

* Bao giờ thông xe đoạn còn lại, thưa ông?

- Đến khoảng tháng 6.2010 sẽ thông xe đoạn đường phía Q.2, còn để thông xe toàn tuyến từ QL1A (H.Bình Chánh) đến ngã ba Cát Lái (Q.2) thì phải chờ đến quý 1/2011, tức là sau khi hoàn thành hầm Thủ Thiêm.

 


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên