Lực đẩy vốn FDI

Cập nhật 14/05/2015 13:46

4 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút 448 dự án FDI mới với số vốn đăng ký đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lĩnh vực BĐS xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm 327 triệu USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư. Những con số này được đánh giá tạo thêm lực đẩy cho thị trường BĐS, đặc biệt trong nửa cuối năm 2015.

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, những con số tăng trưởng 4 tháng qua có thể coi là tín hiệu vui, bởi điều này dự báo FDI BĐS có thể sẽ dồi dào hơn nữa sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, theo đó hàng loạt chính sách cởi mở cho người nước ngoài sở hữu nhà ở sẽ được áp dụng.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB BĐS Hà Nội, cho rằng việc gia tăng nguồn vốn FDI trong lĩnh vực BĐS là điều dễ hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài đang có những cơ hội tuyệt vời vì hết năm 2017, khi Việt Nam tham gia TPP, AEC, EU… các hàng rào thuế quan được xóa bỏ, cơ hội cho việc mua bán các dự án trở nên rất rộng mở. Đặc biệt, điều này càng trở nên thuận lợi khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS cho phép chuyển đổi một phần và toàn bộ dự án, điều chưa từng có từ trước đến nay.

Thực tế diễn tiến của thị trường cũng cho thấy đang có làn sóng bán mua BĐS diễn ra rất sôi động từ đầu năm 2015 đến nay, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Có thể kể đến Creed Group của Nhật Bản thâu tóm hàng loạt dự án của Năm Bảy Bảy, trong đó sở hữu phần lớn dự án City Gate Tower, hợp tác 50% 2 dự án khác là NBB Garden III và NBB Garden II; Lotte mua lại mặt bằng bán lẻ tại Diamond Plaza từ Posco; Tung Shing mua lại khách sạn Movenpick Sài Gòn…

Trên lĩnh vực đầu tư, thị trường BĐS cũng chứng kiến nhiều dự án mới như Tập đoàn Hamon Developments (Anh) quyết định đổ hơn 100 triệu USD vào dự án chung cư cao cấp Gateway tại khu Thảo Điền (ảnh), quận 2; Samsung với dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Nhiều chuyên gia nhận định, đang có làn sóng đầu tư vào BĐS đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Thị trường BĐS Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm cao từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, điều này sẽ tạo thành một bối cảnh sôi động và hấp dẫn cho thị trường phát triển.

Một tín hiệu vui khác đến từ nguồn vốn FDI là lượng giải ngân đã tăng. Số liệu 4 tháng qua cho thấy vốn FDI giải ngân tăng 5% và theo đánh giá chung, các dự án thu hút được đã đáp ứng được các tiêu chí về mức độ tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ. Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), đây là điều đáng lưu tâm bởi mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là số lượng vốn giải ngân thực tế được bao nhiêu, hàm lượng công nghệ của nguồn vốn này đạt được ở mức độ nào... không chỉ đơn thuần nằm ở số vốn thu hút được.

GS. Đặng Hùng Võ cũng khẳng định cần phải có sự tinh lọc đối với nguồn vốn FDI, thời kỳ trải thảm đỏ ai cũng có thể xin được đất, có thể triển khai dự án bất chấp những hệ lụy đã qua, cần ưu tiên những dự án thực chất, những dự án công nghệ cao, đó mới thực sự là điều thị trường BĐS cần. Bởi lẽ, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường dù dưới hình thức nào cũng là việc làm cần thiết. Đây là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế. Nhưng việc làm đó vẫn phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản như: bảo đảm an ninh quốc phòng và không làm ảnh hưởng tới cơ hội được mua nhà ở của dân.


Cũng theo các chuyên gia, cơ hội lớn nhưng đồng thời các chính sách khơi thông của Nhà nước cũng phải được chú trọng. Số liệu vừa được công bố tại một hội thảo về gỡ vướng cho DN FDI vừa được tổ chức cho thấy, có đến 37 dự án FDI của Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD đang triển khai chậm trễ, làm giảm sút hiệu quả đầu tư và gây ảnh hưởng tới phát triển đô thị. Theo đó, những tồn tại gây khó vẫn là câu chuyện đã rất cũ: thủ tục, quy hoạch hay giải phóng mặt bằng.

Theo các chuyên gia, việc mua một hay một vài căn nhà tại Việt Nam để sinh sống, làm việc là nhu cầu tất yếu của người nước ngoài nhưng hiện luật pháp chúng ta đòi hỏi quá nhiều chỉ tiêu, giấy tờ thủ tục khiến họ chưa mua nhà đã thấy mệt. Mở các điều kiện này ra để người nước ngoài có thể mua được nhà tại Việt Nam là đúng, điều này phần nào tạo thêm sức mua cho hàng loạt căn hộ phân khúc cấp cao đang dư thừa tại Việt Nam.

“Cần phải có những chính sách cụ thể để khơi thông đầu tư nước ngoài, mặt khác tạo điều kiện để nhà đầu tư trong nước có cơ hội phục hồi năng lực đầu tư, như thế mới có thể tận dụng được hết lợi thế  những chính sách thu hút FDI cuối năm 2015 có thể mang lại”- GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư