Luật Xây dựng làm khó ngành xây dựng

Cập nhật 18/02/2017 11:42

Theo Bộ Xây dựng, Nghị định 59 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư và Luật Xây dựng đang tồn tại một số vấn đề làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Tại buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng hôm qua, 17/2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay các bộ, địa phương đều phản ánh thủ tục rườm rà, vướng mắc của Nghị định 59, khiến công tác giải ngân vốn đầu tư khó khăn, mất thời gian hơn.

“Doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng các dự án cứ điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định này theo tinh thần phân cấp chứ không phải bao cấp”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng Nghị định 59 còn rất “đụng chạm” bởi buộc các bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp lại các ban quản lý các dự án. Ông cho biết riêng tổng số ban quản lý dự án ODA trong cả nước đã hơn 1.000.

Luật Xây dựng cũng nhiều bất cập. Luật đã đưa ra các quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch theo xây dựng… nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.


Công tác quy hoạch tại một số thành phố lớn vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ví dụ tại Hà Nội, TP.HCM xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, có nguyên nhân do các bệnh viện, trường học đã được cấp đất xây dựng để di dời khỏi trung tâm, nhưng không những không được di dời mà còn được xây dựng thêm.

Số lượng khối nhà, khối tầng, giường bệnh tăng lên vì áp lực phục vụ trước mắt, hoặc những cơ sở xác định chắc chắn được di dời thì nhà đầu tư lại nhanh tay trực sẵn, sau đó chính quyền lại điều chỉnh quy hoạch và cấp giấy phép cho các chủ đầu tư xây những dự án nhà ở cao tầng… Người ta gọi đây là quy trình ngược (quy hoạch chạy theo dự án).

Luật Xây dựng còn nhiều bất cập khác, như thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng trong giai đoạn hình thành dự án không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, gây lúng túng cho các nhà đầu tư.

Quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn là đất trong những khu vực đã có quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có quyết định thu hồi, và buộc phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất khiến một số người dân ở TP.HCM bức xúc, vì không đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng tạm...

Quy định về các công trình nhóm A, cấp I (không phân biệt nguồn vốn) do Bộ Xây dựng thẩm định từ kiểm tra thiết kế cơ sở đến kiểm tra thiết kế bản vẽ thi công, dẫn đến việc khi sửa hoặc thay đổi một mạng mục nhỏ của dự án cũng phải vác hồ sơ từ địa phương xin thẩm định của Bộ Xây dựng ,dẫn đến sự quá tải, gây phiền hà, tốn thời gian của chủ đầu tư.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác, cho biết vấn đề đầu tiên được thủ tướng lưu ý là phải khẩn trương trong xây dựng thể chế, để Luật Xây dựng năm 2014 đi vào cuộc sống, vướng mắc phải tháo gỡ ngay.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhanh nhất Nghị định 59 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.


DiaOcOnline.vn - Theo Zing