Luật vênh nhau, dân lãnh đủ!

Cập nhật 29/05/2009 10:05

Giao dịch nhà đất đang có sự chỏi nhau giữa các luật đất đai, nhà ở và công chứng.

Trước đây, thẩm quyền chứng thực, công chứng được thực hiện tương đối đơn giản theo Nghị định 75 năm 2000 của Chính phủ. Chừng khi có Luật Đất đai năm 2003, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Công chứng năm 2006, thẩm quyền chứng thực, chứng nhận các hợp đồng về nhà đất có nhiều thay đổi dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau, không địa phương nào giống địa phương nào.

Luật Đất đai lấy đối tượng giao dịch làm chuẩn để có sự phân định như sau: Nếu người tham gia giao dịch là hộ gia đình, cá nhân thì được quyền chọn lựa hoặc công chứng tại các cơ quan công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn. Trường hợp giao dịch có yếu tố nước ngoài thì phải đi công chứng.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở lại có hướng dẫn khác hẳn khi lấy vị trí của bất động sản làm chuẩn. Theo đó, nhà tại đô thị được chọn lựa hoặc công chứng tại các cơ quan công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp huyện; nhà tại nông thôn thì được chứng thực tại UBND xã. Ngược lại, Luật Công chứng lại lấy loại việc làm chuẩn: việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch là nhiệm vụ của các cơ quan công chứng; việc chứng thực bản sao, chữ ký là nhiệm vụ của phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã. Khi cả ba luật đều đang có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng phải thực hiện như thế nào để đảm bảo được sự thống nhất?

Trở lại việc dân Củ Chi và các huyện khác của TP.HCM phải đi công chứng xa, theo quy định chung thì xã, phường, thị trấn ngang quyền nhau. Vậy nên Luật Đất đai mới cho phép người dân đến UBND xã, phường, thị trấn để chứng thực các hợp đồng về đất. Ngặt nỗi Luật Nhà ở chỉ đề cập đến quyền hạn của UBND xã trong việc chứng thực hợp đồng về nhà tại nông thôn. Trong khi đó, do thị trấn là đô thị nên theo Luật Nhà ở thì những giao dịch về nhà tại thị trấn không được đến UBND xã. Nhưng nếu đến UBND huyện thì lại chỏi với Luật Đất đai ở chỗ luật này không ấn định cho UBND huyện quyền chứng thực các hợp đồng về đất của các cá nhân.

Để tránh né mâu thuẫn này, Quyết định 94 năm 2007 của UBND TP.HCM đã bắt buộc người dân ở các thị trấn phải đến các cơ quan công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở. Thế nhưng xem ra quy định này cũng không hoàn toàn phù hợp với Luật Nhà ở khi tước bỏ của người dân ngụ trong đô thị quyền được chọn lựa đến UBND huyện.

Đối với việc dân tỉnh Bình Thuận phải đi công chứng xa, nếu TP.HCM vẫn tiếp tục cho phép người giao dịch về đất (không nhà) hoặc về nhà tại nông thôn được ra UBND xã chứng thực thì tỉnh này lại buộc người dân các huyện xa TP Phan Thiết phải vượt hàng trăm cây số để đi công chứng. Đồng ý là Bình Thuận làm theo Luật Công chứng bằng cách phân loại vụ việc để phân loại thẩm quyền công chứng, chứng thực nhưng nên nhớ đến giờ vẫn chưa có văn bản nào phủ nhận thẩm quyền giải quyết của UBND xã, huyện theo hai luật Đất đai, Nhà ở.

Nếu luật sau có sự “dòm ngó” luật trước để hạn chế đến mức tối đa những khác biệt không cần thiết thì người dân đã không phải cực thân như lâu nay. (Luật sư Trần Công Ly Tao - Đoàn luật sư TP.HCM)

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP