Luật Thủ đô bị 'vô hiệu' bởi nén chung cư

Cập nhật 19/05/2018 11:16

 Ngày 18/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giám sát tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) về vấn đề dân cư sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô. Các đại biểu cho rằng, Luật Thủ đô gần như bị “vô hiệu” do các chung cư phát triển ồ ạt khiến việc quản lý dân cư gặp nhiều khó khăn.


Nén chung cư vào nội đô khiến luật thủ đô bị vô hiệu.

Báo cáo về công tác quản lý dân cư trên địa bàn quận theo quy định tại Điều 19, Luật Thủ đô, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, các phương tiện giao thông đông đúc. Trên địa bàn quận, dân cư tăng nhanh theo từng năm, đặc biệt thành phần cư dân đa dạng tập trung ở các khu đô thị (KĐT) mới, chung cư cao tầng tại các phường: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai. Về quy mô dân cư, Hoàng Mai là quận đông dân thứ tư với số dân là 411.566 nghìn người. Tốc độ tăng dân số cơ học hàng năm ở mức 1,5%, trong đó chủ yếu thuộc độ tuổi lao động.

Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm quận Hoàng Mai tăng bình quân khoảng 10.755 người. Kết cấu hạ tầng quận ngày càng quá tải, trong khi công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học. Một con số đáng lưu ý, từ 1/7/2013 đến 31/12/2017, quận mới chỉ giải quyết được 267 hộ tương đương 1.068 nhân khẩu đăng ký thường trú theo Điều 19, Luật Thủ đô; đăng ký tạm trú hơn 23.000 nhân khẩu; thông báo lưu trú hơn 320 nghìn lượt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức cho rằng, tỷ lệ tăng dân số cơ học của quận ở mức 1,5%/năm là cao so với các quận nội thành. Bên cạnh đó, dân cư tăng nhanh qua từng năm, đặc biệt tập trung tại các KĐT, chung cư rất lớn, phân bố không đồng đều tại các địa bàn phường. Ông Thức lưu ý, trong hơn 4 năm ra đời Luật Thủ đô, quận mới chỉ đăng ký thường trú cho 267 hộ tương đương 1.068 nhân khẩu là con số quá thấp. Hàng loạt chung cư không cho đăng ký thường trú, cùng 23.400 nhân khẩu đăng ký tạm trú… số dân cư còn lại tạm trú dài hạn không đăng ký sẽ gây khó khăn lớn cho công tác quản lý dân cư. “Quận phát triển các KĐT nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng xã hội, vậy biện pháp khắc phục của chính quyền quận là gì?”, ông Thức nêu câu hỏi.

Trả lời về vấn đề quy hoạch, ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn có 142 dự án đang triển khai. Từ năm 2015 trở về trước có nhiều bất cập do có một số dự án chung cư phá vỡ quy hoạch không gian công cộng , “hô biến” một diện tích không gian sân chơi, vườn hoa thành 12 tòa nhà, mỗi tòa 45 tầng tại bán đảo Linh Đàm. Theo quy hoạch khu vực này không có dân cư, nay đã thành 15.000 dân.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu thẳng thắn: Con số đưa ra ở báo cáo còn khiêm tốn, thực tế số dân hiện nay ở Hoàng Mai lên đến 55 vạn (hơn nửa triệu dân). Số dân cơ học rất lớn từ các KĐT, nhà chung cư; hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, việc cũ không thể đổ là do lãnh đạo trước được, vẫn phải cùng khắc phục từng bước. “Tới đây, quận sẽ quản lý quy hoạch chặt chẽ. Không cho phép đề xuất dân số quá quy hoạch phân khu để tránh phá vỡ quy hoạch khác”, ông Hiếu khẳng định.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội thẳng thắn: Luật Thủ đô sau 4 năm rưỡi thực hiện đến nay gần như bị “vô hiệu”. Do thời điểm năm 2013 Luật Thủ đô bắt đầu có hiệu lực thì Luật Đất đai, Luật Nhà ở ra đời vô hiệu Luật Thủ đô. Ông Nam lấy ví dụ về chủ trương di dời tất cả cơ sở ô nhiễm, nhà máy sản xuất ra ngoài khu vực nội thành, để lại đất làm công viên, khu vực công cộng. Thậm chí thành phố giới thiệu đất Mỹ Đình rất đẹp nhưng họ lại liên doanh, liên kết với các đối tác khác để biến đất cũ thành chung cư, khu đô thị. Điều này khiến cho khu vực nội thành ngày càng “ngộp thở” vì mật độ dân cư quá cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong