Luật Quy hoạch vẫn vướng rào lợi ích

Cập nhật 02/03/2017 14:32

Luật Quy hoạch sau khi được thông qua sẽ “cắt xẻo” không ít quyền lợi của các bộ, ngành trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Luật Quy hoạch sẽ khó có được sự đồng thuận cao vì vấp phải tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng” của các bộ, ngành khi được tham vấn ý kiến. Bằng chứng là tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này được tổ chức hồi tháng trước, một số bộ vẫn có quan điểm ngược với Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch, dù trước đó quá trình tham vấn đã hoàn tất và đủ điều kiện trình dự án luật lên Quốc hội.

Gian nan chờ đồng thuận

Cũng vì dự án luật còn nhận nhiều phản hồi trái chiều từ các bộ mà công việc sắp tới của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đơn vị phụ trách thẩm định và lấy ý kiến về dự án luật này chắc chắn sẽ còn rất bộn bề. Sau khi tổ chức cuộc tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, sắp tới cơ quan này sẽ còn tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, để đảm bảo rằng các quan điểm sẽ đều được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi cho phù hợp.

Quy hoạch theo lối cũ đưa ra quy định tù mù tạo cơ chế xin cho

Cần phải nhắc lại rằng, trước đó quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đã được tiến hành một cách vô cùng kỹ lưỡng, theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Ông Đông cho biết, trước khi trình Chính phủ thông qua, cơ quan soạn thảo đã xuống từng bộ, ngành để lấy ý kiến. Ông nhấn mạnh, chưa có luật nào mà Bộ chủ trì soạn thảo luật xuống tận nơi để lắng nghe ý kiến từng bộ xem có nội dung gì cần thay đổi. Từ đó các cơ quan của Chính phủ mới dần đi đến nhất trí cao để trình Chính phủ thông qua rồi đưa lên Quốc hội.

Gian nan là vậy, nhưng cuối cùng sự đồng thuận vẫn không đạt được như kỳ vọng. Điều này là tương đối dễ hiểu. Bởi theo lý giải của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nếu thực hiện theo luật, nhiều bộ ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương sẽ phải thay đổi tập quán, thói quen làm việc, thậm chí là thay đổi cả khung pháp lý trước đây.

Còn theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH&ĐT, có nhiều nguyên nhân khiến Luật Quy hoạch phải đối mặt với không ít ý kiến trái chiều trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Thứ nhất, là do người góp ý chưa tìm hiểu thông tin đầy đủ, cần được làm rõ, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục giải trình. Do đó, để có sự đồng thuận, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo là làm rõ thêm và truyền thông, cung cấp thông tin để họ hiểu đúng.

Nhóm ý kiến thứ hai muốn giữ lại một số nội dung, không muốn thay đổi. Có những cơ quan, tổ chức, cá nhân không muốn thay đổi theo cách làm mới, mà quyết duy trì cách làm cũ, tư duy cũ. Cuối cùng là các nhóm có lợi ích muốn giữ lại việc duy trì hệ thống quy hoạch như hiện nay để níu giữ quyền lực, tạo ra “sân chơi” riêng của mình, qua đó chi phối các hoạt động của NĐT, DN. Tóm lại, Luật Quy hoạch sau khi được thông qua sẽ “cắt xẻo” không ít quyền lợi của các bộ ngành trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Mạnh tay cắt cát cứ quyền lực

Bộ KH&ĐT khẳng định, Luật Quy hoạch khi được ban hành sẽ là bước cải cách về thể chế, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về quản lý nhà nước, Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ. Trong đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu để kiến tạo sự phát triển, việc phân bổ nguồn lực cũng trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.

Còn nếu vẫn duy trì cách quản lý như hiện nay, quy hoạch sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ để “nuôi dưỡng” lợi ích nhóm thông qua các quy định tù mù tạo cơ chế xin cho. Thứ trưởng Đặng Huy Đông dẫn chứng, đơn cử như quy hoạch trong Luật Đất đai không gắn với thực thể của lãnh thổ và cũng không dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực của địa phương.

“Theo tôi hiểu thì tỉnh A, tỉnh B báo cáo lên diện tích lúa, dân số của tỉnh mình, cơ quan quản lý quy định mỗi người dân tiêu thụ bao nhiêu lúa rồi nhân lên theo nhu cầu và bảo không thể hy sinh diện tích lúa, phải duy trì để đảm bảo lương thực cho từng đấy dân. Vậy thì bản quy hoạch đó có giá trị gì trong thực tế, sử dụng như thế nào? Hay thực chất là mỗi lần địa phương muốn sử dụng đất lúa thì phải chạy lên xin?”, ông Đông phân tích.

GS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc cũng khẳng định nhiều quy hoạch hiện nay đã lỗi thời và cần được bãi bỏ. Ông Hanh chỉ ra ví dụ về quy hoạch xây dựng, là loại quy hoạch mà Việt Nam có trong khi trên thế giới không có. “Chính tôi là người đề xuất quy hoạch này vào năm 1990. Tới giờ trong khi nhiều cơ quan xin giữ lại thì tác giả là tôi lại “lạy lục” xin bỏ đi”, ông Hanh cho biết.

Ông giải thích, quy hoạch xây dựng ra đời vào thời điểm những năm 90 là phù hợp với thể chế quá độ từ kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Vào thời điểm đó phải có quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng thì mới tập trung quyền lực vào cơ quan Nhà nước để thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng, nhưng nay thể chế đã khác thì cách làm cũng phải khác đi. Tóm lại, “quy hoạch này có vai trò lịch sử của nó và đến nay khi hết vai trò thì phải rút nó đi”, GS. Hanh kiên quyết.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều loại quy hoạch. TS. Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lưu ý, quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch phụ thuộc mô hình, mà các quốc gia trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn: truyền thống, quản lý, địa lý. Với mỗi mô hình như vậy, cách làm quy hoạch là khác nhau. Ông Liêm nhấn mạnh, chúng ta đang hướng tới mô hình cao nhất là quy hoạch theo địa lý, thì cách làm của mô hình này sẽ khác giai đoạn trước-quy hoạch nhằm mục đích quản lý. Vì vậy sự thay đổi là không thể khác được.

Đồng quan điểm với nhiều nhà khoa học, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị, Luật Quy hoạch rất quan trọng vì đây là luật dẫn đường cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới thể chế, thay đổi tư duy bao cấp thành cơ chế thị trường. Chính vì vậy, “để thực hiện được chắc chắn là rất khó khăn vì vướng phải cát cứ quyền lực, do đó rất mong Quốc hội mạnh tay và cương quyết hơn nữa mới đổi mới được phương thức quy hoạch, dẫn đường cho quá trình phát triển”, GS. Võ khẩn khoản đề nghị.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng