Luật Kinh doanh bất động sản: 9 tháng chưa có văn bản hướng dẫn!

Cập nhật 08/10/2007 10:00

Có hiệu lực từ 1 - 1 - 2007 nhưng đến nay, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp (DN) muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ BĐS đã không được cấp phép.

Đầu tư thì được, kinh doanh thì không

Ông Mai Hiếu Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Điện lực TP.HCM cho biết: "Công ty chúng tôi nộp hồ sơ đăng ký trong đó có chức năng đầu tư kinh doanh BĐS. Nhưng do Luật Kinh doanh BĐS chưa có văn bản hướng dẫn nên đơn vị cấp giấy phép chỉ cho phép thực hiện mảng quản lý tư vấn, còn kinh doanh, dịch vụ pháp lý BĐS thì chưa được. Điều này có nghĩa, chúng tôi chưa thể đầu tư kinh doanh và tạo giá trị gia tăng trên đất mặc dù rất muốn".

Nhiều DN khác cũng đang bị ách tắc về vấn đề này. Một DN được thành lập từ nguồn vốn góp của 3 thành viên nộp hồ sơ từ tháng 7 - 2007 để xin cấp phép đầu tư kinh doanh BĐS cũng bị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM từ chối với lý do luật chưa có nghị định hướng dẫn. Theo DN này, để kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của luật, DN phải lập sàn giao dịch và có ít nhất là 3 chuyên viên môi giới có thẻ hành nghề và 2 chuyên viên thẩm định giá có thẻ thẩm định. Vướng mắc ở chỗ những quy định này chưa có hướng dẫn nên không biết DN sẽ hoạt động ra sao khi thành lập.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho biết, rất nhiều DN xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực BĐS nhưng hiện sở này đang xin ý kiến UBND TP.HCM. Theo ông Rê, Luật Kinh doanh BĐS chưa có nghị định hướng dẫn nên những tiêu chuẩn cụ thể để DN có thể hoạt động sau khi thành lập chưa rõ ràng.

Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cũng cho biết Hà Nội đã tạm dừng cấp đăng ký kinh doanh ngành BĐS kể từ 1 - 1 - 2007 do phải chờ hướng dẫn của Luật Kinh doanh BĐS, đặc biệt là về quy định mức vốn pháp định đối với ngành nghề này. Một luật sư cho biết, để "lách" quy định này, gần đây có rất nhiều DN có ngành nghề kinh doanh BĐS đã xin rút lại hồ sơ giải thể, "mở" lại mã số thuế đã bị "đóng" để "bán" lại DN cho người có nhu cầu nhưng lại không được cấp đăng ký kinh doanh.

Ách tắc đến bao giờ?

Trao đổi với các phóng viên, ông Lê Hoàng Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) cho rằng: "Đồng ý là TP.HCM lo ngại sẽ có nhiều DN không đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực môi giới, thẩm định giá BĐS khiến thị trường bị rối, bị nhiễu nhưng thực tế cho thấy chính thị trường sẽ có sự sàng lọc. Những DN không đủ năng lực sẽ bị đào thải. Việc ngưng cấp phép sẽ làm cho một số DN bị thiệt thòi, thị trường sẽ ách tắc. HOREA sẽ có ý kiến về vấn đề này".

Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, theo luật thì thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS tại các sàn giao dịch thuộc về các tỉnh, thành phố. Để khai thông vấn đề này, TP.HCM có thể linh hoạt giao cho các sở có chức năng liên quan như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường hoặc Sở Tư pháp cấp chứng chỉ. Không nên để thị trường bị ảnh hưởng vì một văn bản hành chính.

Ông Võ Đình Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc ACB nhận định: "Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực đã hơn 9 tháng mà vẫn chưa có hướng dẫn thì quá chậm. Theo tôi biết, rất nhiều DN bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ này. Kinh doanh dịch vụ BĐS bao gồm nhiều nội dung như quảng cáo, môi giới, thẩm định giá nhưng đến nay mảng môi giới mặc dù có nhu cầu rất lớn nhưng cũng chưa biết đào tạo như thế nào, ai cấp chứng chỉ hành nghề. Việc quy định giao dịch nhà đất tại các dự án phải thông qua sàn giao dịch nhưng quy mô sàn giao dịch như thế nào cũng chưa có. Trong khi đó, thời điểm hiện nay là mùa làm ăn của các DN địa ốc. Sự ách tắc này gây ra hậu quả không nhỏ cho các DN, kể cả người dân có nhu cầu giao dịch nhà đất".

Một vấn đề khác là theo Pháp lệnh về giá, một DN có chức năng thẩm định giá, kể cả thẩm định giá BĐS phải có ít nhất 3 thẩm định viên được cấp thẻ nhưng Luật Kinh doanh BĐS chỉ yêu cầu có ít nhất 2 thẩm định viên. Sự "vênh" nhau giữa các quy định như vậy sẽ khiến cơ quan cấp phép, kể cả DN lúng túng khi triển khai hoạt động.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS đã trình Chính phủ từ tháng 11.2006. Dự thảo này quy định vốn pháp định của các DN kinh doanh BĐS theo Luật Kinh doanh BĐS là 6 tỉ đồng, hợp tác xã là 4 tỉ đồng; không yêu cầu phải làm thủ tục cấp đăng ký lại với những DN đã hoạt động trước ngày Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh BĐS sẽ được áp dụng từ năm 2009.


Theo Thanh Niên