Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức công bố, lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành đối với dự thảo mới nhất của Luật Đất đai 2013.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải thừa nhận đa dang hóa sở hữu đất đai, trong đó có hình thức sở hữu tư nhân.
|
Có hai nội dung đáng chú ý trong dự thảo công bố lần này là vấn đề sở hữu đất đai và thời hạn giao đất nông nghiệp cho người dân liệu có được sửa đổi theo đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học trong gần hai năm qua.
Tuy nhiên, thay vì sửa đổi theo hướng đa sở hữu đất đai như đề xuất, dự thảo lần này vẫn quyết định duy trì duy nhất một hình thức sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Tại chương 2, điều 12 của dự thảo luật quy định rõ, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; thu hồi đất, định giá đất…
Điều 15 của dự thảo luật cũng nhấn mạnh, Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; do vi phạm pháp luật đất đai, do chấm dứt sử dụng đất.
Đối với đất sử dụng có thời hạn, dự thảo luật quy định rõ: thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm. Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, dự thảo cũng nói rõ, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.
Đối với các dự án kinh doanh nhà ở thì thời hạn sử dụng đất đối với chủ đầu tư là thời hạn thực hiện dự án, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;
Đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển, dự thảo luật nêu rõ “Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng”.
Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn giao đất nếu có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai thì Nhà nước xem xét cho thuê đất.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy