Sau khi có thông tin chỉ đạo giải phóng mặt bằng làm dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), thị trường đất đai ở khu vực này nóng bất thường và lan sang các khu vực lân cận.
Một dự án khu dân cư đang được xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc |
Việc quy hoạch diện tích cho các hạng mục chức năng ở vùng phụ cận ngoài dự án sân bay chưa có nhưng có nhiều "chiêu trò" để mua bán đất.
Đến tỉnh lộ 769 qua các xã Lộc An, Bình Sơn, Bình An (thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lúc này thấy hàng loạt băngrôn, tờ rơi mua bán đất được dán khắp nơi. Ở nhiều nơi, các cơ sở dịch vụ mua bán, ký gửi đất cũng mọc lên chào bán.
Khi được hỏi tại sao vẫn có nhiều khu vực đất nông nghiệp rao bán lô nền ở vùng phụ cận sân bay Long Thành dù đang quy hoạch, anh Hoàng - một người mua bán đất ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch - cho biết chính quyền quy định về điều kiện tách thửa đối với từng loại đất, nhưng không thể cấm người dân giao dịch, mua bán khi chưa có quy hoạch cụ thể.
"Còn cách thức họ gom đất, hợp tác làm ăn thì vẫn có cách thức để lách, vẫn phân lô bán nền, xây nhà" - anh Hoàng giải thích.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc rao bán đất nền dự án vẫn diễn ra với nhiều "chiêu" khác nhau. Anh Dũng, một người từng kinh doanh đất đai, cho hay sau một thời gian tỉnh Đồng Nai yêu cầu tạm ngưng tách thửa, điều chỉnh các quy định trong quản lý đất đai thì dân kinh doanh bất động sản tìm ra những kẽ hở khác để... lách.
Cụ thể, đầu năm 2018 tỉnh Đồng Nai cho tách thửa trở lại và có quy định mới về diện tích tối thiểu được tách thửa cho từng loại đất thì xuất hiện các nhóm liên kết làm hợp đồng góp vốn, hiến đất làm đường... để làm hạ tầng. "Miễn sao đủ điều kiện để họ xin dự án, ra sổ. Trong thời gian làm dự án thì họ rao bán nền, mời khách đặt cọc tiền trước" - anh Dũng nói.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Đồng Nai đề nghị giấu tên, việc mua bán đất đai hiện nay bất chấp pháp luật, lách luật. Đó là hiện trạng làm hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đang trở nên phổ biến.
Từ đây tổ chức sự kiện rao bán đất, phát tờ rơi đủ kiểu... và đã không ít trường hợp người dân "tiền mất tật mang" do dự án "ma".
Nhiều dự án rao bán nhưng sở không biết
Yêu cầu xử lý
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Long Thành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phân lô bán nền, xây dựng trái phép. Nếu phát hiện cán bộ có hành vi dung túng, bảo kê phân lô bán nền cũng phải xử lý theo quy định pháp luật.
|
Ông này nói: "Theo quy định, các dự án dạng hợp đồng góp vốn đầu tư đều phải báo cho Sở Xây dựng địa phương nhưng dường như việc này ít khi được thực hiện. Vì vậy đã phát sinh tranh chấp, khiếu nại, kéo nhau ra tòa mà dự án Alibaba rao bán ở huyện Long Thành là một ví dụ".
Trả lời về vấn đề hiện trạng các dự án rao bán bát nháo quanh khu vực dự án sân bay Long Thành, ông Tạ Huy Hoàng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai - xác nhận: "Các nghị định hướng dẫn về kinh doanh nhà ở, bất động sản bắt buộc phải xin ý kiến Sở Xây dựng nhưng ít khi xin ý kiến sở để thẩm định. Khi kiểm tra phát hiện có nhiều dự án không xin ý kiến sở và tổ chức rao bán cho người dân".
Nói về trách nhiệm quản lý, ông Tạ Huy Hoàng nói: "Trước hết là chính quyền địa phương ở khu vực đó và cả sở chuyên ngành cấp phép cho tổ chức hoạt động sự kiện. Nếu địa phương báo cho Sở Xây dựng về tình trạng xây trái phép mà cán bộ không đến tận nơi xử lý thì trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng".
Cũng theo ông Hoàng, sở đang phối hợp cùng các ngành và địa phương tiến hành kiểm tra các "điểm nóng" về đất đai, xây dựng trái phép để chấn chỉnh, xử lý.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc quản lý đất đai ở quanh dự án sân bay, ông Nguyễn Ngọc Thường, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho hay: "Hiện sở đã cử đoàn công tác phối hợp với huyện Long Thành để rà soát việc tách thửa đất, chuyển đổi mục đích, san lấp mặt bằng tại một số nơi có đúng quy định hay không. Khi có kết quả chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh các biện pháp xử lý...".
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ