Ế ẩm do thị trường trầm lắng, một số doanh nghiệp đang muốn bán căn hộ chung cư thương mại cho thành phố để làm nhà tái định cư. Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết:
Bán nhà cho Thành phố là cách làm hiệu quả để doanh nghiệp vượt khó |
- Quỹ nhà tái định cư cho các dự án nói chung đang thiếu. Nhưng các dự án đến giai đoạn cần nhà, phải cung ứng căn hộ ngay lại chưa phải nhiều. Sở Xây dựng đã yêu cầu tất cả chủ đầu tư đang thực hiện các dự án nhà tái định cư phải báo cáo khó khăn, tiến độ cụ thể và giao ban thường xuyên để từ đó tổng hợp, ước tính xem nguồn vốn còn thiếu bao nhiêu. Dự kiến, năm 2012, cần hơn 3.500 tỷ đồng để xây quỹ nhà tái định cư. Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất xây dựng một số khu tái định cư tập trung.
*
Trước mắt, một số dự án trọng điểm đang lo thiếu nhà, vậy thành phố sẽ lấy nguồn từ đâu để bù đắp?
- Để giải quyết vấn đề cấp bách, Sở Xây dựng vừa đề nghị thành phố cho xây dựng cơ chế để mua lại nhà thương mại của doanh nghiệp. Thị trường hiện đang trầm lắng nên các doanh nghiệp xây xong nhà, chưa bán được. Vấn đề là mua chỗ nào, cơ cấu căn hộ ra sao để phục vụ nhu cầu tái định cư cho phù hợp. UBND TP đã giao Sở rà soát lại để lên cơ chế cụ thể.
*
Tới nay, đã có doanh nghiệp nào đăng ký bán nhà cho thành phố chưa?
- Có một số doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Hà Nội mua lại quỹ nhà thương mại để phục vụ cho nhu cầu tái định cư. Trong đó, có một đơn vị thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội muốn nhượng lại 120 căn hộ đã hoàn thiện tại Khu đô thị Sài Đồng (Gia Lâm) cho TP để làm nhà tái định cư. Nhưng muốn bán lại cũng phải có quy trình, nhất là việc tính toán giá thành căn hộ. Cơ quan quản lý sẽ phải xem xét lại chi phí, xem cái nào hợp lý, cái nào bất hợp lý. Mức lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng sẽ giới hạn ở mức 10%, tương đương với mức doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Sở Xây dựng sẽ tổng hợp nhu cầu bán nhà của doanh nghiệp để báo cáo thành phố xem xét.
*
Nhà thương mại mua được sẽ ưu tiên tái định cư cho dự án nào, thưa ông?
- Đây là việc cần tính toán cụ thể theo thời điểm. Nói chung, cần ưu tiên các dự án hạ tầng trọng điểm như dự án tàu điện trên cao, các dự án giao thông lớn, dự án hạ tầng xã hội như trường học... cũng là đối tượng cần được sử dụng quỹ nhà này. Thông qua mua nhà thương mại, TP sẽ tạo nên một lượng lớn để phục vụ nhu cầu tái định cư của tất cả các dự án.
*
Nhà thương mại diện tích lớn trong khi căn hộ tái định cư có khi chỉ cần diện tích nhỏ, liệu có phù hợp không?
- Đương nhiên, việc có mua hay không còn phải tính toán, cân nhắc xem có phù hợp với tái định cư không. Cơ cấu căn hộ không đáng lo. Chúng ta nên thay đổi quan niệm, cần coi nhà tái định cư như nhà ở thương mại. Nhà tái định cư cũng cần chất lượng tốt, điều kiện sống tốt như nhà thương mại. Về tiêu chuẩn tái định cư, ví dụ, như theo quy định, một hộ dân có thể được mua căn hộ rộng 45m2 nhưng nếu họ có điều kiện về tài chính và có nhu cầu thì cũng nên tạo điều kiện để họ mua căn hộ lớn hơn, 70-80m2 chẳng hạn.
*
Giữa lúc thị trường khó khăn như hiện nay, việc bán được nhà cho Thành phố cũng xem như một lối thoát cho doanh nghiệp?
- Nhiều doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn vì thị trường bất động sản đóng băng, người mua nhà ngoảnh mặt, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang sống dở, chết dở. Nếu làm được theo cách này, Thành phố sẽ chủ động hơn trong việc đáp ứng quỹ nhà tái định cư, mặt khác, sẽ cứu được không ít doanh nghiệp đang trong cơn nguy kịch, giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Đây chính là lúc doanh nghiệp và Nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, tiền mua nhà là tiền ngân sách, tiền đóng thuế của dân, vì vậy, khi mua nhà, thành phố sẽ phải tính toán kỹ về giá thành, các chi phí hợp lý, doanh nghiệp trong trường hợp này không thể mong lợi nhuận cao được.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô