Lối thoát cho các công trình “đắp chiếu”?

Cập nhật 08/08/2013 08:51

Theo kế hoạch, dự án Tổ hợp chung cư cao cấp Usilk City (Văn Khê, Hà Đông) do Công ty Sông Đà Thăng Long đầu tư bàn giao, đưa vào sử dụng trong năm 2012 - 2013. Thế nhưng, sau khi khởi công (tháng 8/2009), đến nay do cạn vốn nên chủ đầu tư liên tục khất ngày bàn giao nhà.

Để cứu dự án, cũng là cứu số vốn đã bỏ ra, khách hàng thuộc cụm CT1 đã đề xuất thanh toán từng hạng mục xây dựng theo tiến độ hoàn thiện. Đây là động thái mới giữa lúc thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, các dự án đắp chiếu hàng loạt. Liệu đây có trở thành tiền lệ tốt?

Khách hàng gỡ khó cứu dự án

Dự án Usilk City phải dừng tiến độ gần 2 năm dù đã có 3 tòa nhà tại cụm CT1 hoàn thiện phần thô do chủ đầu tư hết lực tài chính. Trong khi đó, khách hàng kiên quyết không tiếp tục góp vốn vì lo số tiền đó sẽ bị chủ đầu tư đem trả nợ hoặc rót vào dự án khác. Phía ngân hàng cũng dừng giải ngân. Sau nhiều lần kiện tụng bất thành, cuối cùng với kỳ vọng sớm được nhận nhà, hai bên đã đi đến thống nhất: Khách hàng sẽ thay chủ đầu tư kiểm soát nguồn tiền đổ vào dự án.

Cụm CT1 dự án Usilk City đang có cơ hội để hoàn thiện. Ảnh: Hà Nguyên

Theo thỏa thuận, đại diện khách hàng mua căn hộ thuộc cụm CT1 (gồm tòa nhà 101, 102 và 103) cùng chủ đầu tư sẽ đồng sở hữu một tài khoản chung tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Thanh Xuân. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng ban đại diện khách hàng cho biết: "Các khách hàng sẽ nộp số tiền còn lại của mình theo hợp đồng đã ký vào tài khoản chung này. Sau đó, ngân hàng sẽ chuyển tiền qua tài khoản của Công ty Sông Đà Thăng Long trên cơ sở kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng và biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư, khách hàng, đơn vị tư vấn giám sát".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc khách hàng trực tiếp thanh toán và quản lý nguồn tiền đầu tư không chỉ tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thiện dự án đúng cam kết, lấy lại niềm tin của khách hàng mà còn giúp chủ đầu tư tiếp tục triển khai các dự án khác đang thi công dang dở.

Nhiều nỗi băn khoăn

Phương án khách mua nhà đứng ra quản lý nguồn vốn đầu tư vào dự án như ở Usilk City còn khá mới mẻ, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều khách mua nhà băn khoăn, làm thế nào để ngăn chặn được chuyện "móc nối" giữa chủ đầu tư, ngân hàng, nhà thầu, đơn vị giám sát, tránh kê khống khối lượng công việc đã thi công, làm sai hướng dòng tiền. Đấy là chưa kể việc khách hàng không đủ tiềm lực tài chính để đóng theo đúng thỏa thuận dẫn đến việc chủ đầu tư sẽ lại vin vào đó để không triển khai dự án…"Những lo lắng của khách hàng hoàn toàn có cơ sở bởi đây là lần đầu tiên phương án này được đưa ra" - ông Hoàng Sơn, Văn Phòng luật sự Nam Việt nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Nên xem xét nhân rộng mô hình

Mô hình quản lý dòng tiền vào dự án của khách hàng Usilk City là cách làm hay, nếu được các chủ đầu tư áp dụng ngay từ đầu thì thị trường bất động sản sẽ không xảy ra tình trạng như hiện nay. Trong thời gian tới, nhân rộng mô hình này, có thể các công trình "đắp chiếu" khác sẽ có "lối thoát" và thị trường bất động sản sẽ minh bạch, rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, ông Trần Việt Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Thăng Long khẳng định đây là mô hình rất chặt chẽ và khó xảy ra rủi ro, bởi đơn vị không được tự ý rút tiền, mà ngân hàng sẽ trực tiếp chuyển tiền từ tài khoản của chủ đầu tư cho nhà thầu sau khi đã kiểm tra tiến độ công trình; Việc thanh toán phải được sự đồng ý của khách hàng.

Về vấn đề khách mua nhà chưa đủ ngay số tiền để nộp theo cam kết mới, trong thời gian đợi, công ty sẽ yêu cầu BIDV tái giải ngân khoản tiền 300 tỷ đồng, khoản tiền đã được BIDV "rót" cho dự án từ năm 2012. Bên cạnh đó, Sông Đà Thăng Long cũng "bán" một số dự án khác để dồn vốn hoàn thiện Usilk City. Phía người mua, nhằm tạo thuận lợi đóng tiền, công ty chia nhỏ số tiền cần nộp của khách ra thành 23 phần tương ứng với 23 tuần, thời gian dự kiến hoàn thành cụm CT1. Như vậy, áp lực tài chính của khách được giảm bớt rất nhiều.

Thống nhất phương án tự chủ dòng tiền, hiện khách hàng và chủ đầu tư dự án Usilk City đang dồn mọi nguồn lực để hoàn thiện cụm CT1. Những khách hàng không hợp tác với phương án đóng tiền để đẩy nhanh tiến độ này, sẽ bị thanh toán hợp đồng kể từ ngày 10/8, nhường cơ hội cho người mua có căn hộ tương đương ở CT khác "thế chân". Thông tin này khiến nhiều khách hàng nuôi hy vọng được chuyển đổi, nhưng trớ trêu là "cánh cửa" chỉ dành cho ứng viên có "tiền tươi thóc thật", đóng luôn một lần. Có nghĩa, nhóm đối tượng này không được hưởng chính sách 1/23 như các khách CT1. Ứng viên là khách đã đóng 100% giá trị hợp đồng tại các CT khác cũng "rớt". Ông Trần Việt Sơn lý giải: "Cung ít, cầu nhiều, nên phải chọn lọc". Vị này cũng nhấn mạnh thêm: "Trước mắt tập trung cho CT1, các tòa nhà khác sẽ được triển khai sau khi bàn giao xong cụm 101, 102, 103 vào cuối tháng 12". Như vậy, kết quả của mô hình mới và việc mở rộng áp dụng cho các tòa nhà khác vẫn là điều phải chờ trong tương lai.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Kinh tế và Đô thị