Lợi nhuận DN bất động sản đến từ đâu?

Cập nhật 28/01/2013 08:15

Với một năm 2012 đầy khó khăn, tìm kiếm lợi nhuận là bài toán khó với mọi DN bất động sản. Tùy ở khả năng xoay xở, mỗi DN có những cách tạo lợi nhuận khác nhau.

Làm dịch vụ và môi giới


Theo BCTC mới nhất, năm 2012 CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) đạt doanh thu 106,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 32,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ thì lợi nhuận sau thuế của DXG chỉ giảm khoảng 5%. Trong điều kiện thị trường khó khăn, đa số DN bất động sản, trong đó có DXG mất đi đáng kể nguồn thu từ mua bán, chuyển nhượng bất động sản, thì đây là một nỗ lực lớn. Thực tế, trong năm 2011, mảng chuyển nhượng bất động sản của DXG từng đạt hơn 107 tỷ đồng, góp 54% tổng doanh thu của DXG. Năm 2012, kinh doanh bất động sản chỉ đem lại hơn 15 tỷ đồng cho DXG, mức giảm quá lớn. Dù vậy, nhờ tăng trưởng trong mảng dịch vụ và môi giới bất động sản mà lợi nhuận của DXG tuy không đạt theo kế hoạch đề ra nhưng đã không giảm sâu.

Nhờ tiền cổ tức

Ngoài gia tăng mảng dịch vụ - môi giới bất động sản, góp phần quan trọng vào lợi nhuận năm 2012 của DXG còn có khoản lãi gần 19 tỷ đồng từ cổ tức, lợi nhuận được chia. Tính ra, khoản lãi này tăng gấp 3 lần năm trước đó. Theo giải trình của DXG thì đây là cổ tức được chia từ các công ty con. DXG hiện có 14 công ty con đầu tư trực tiếp. Tổng giá trị đầu tư của đơn vị này vào công ty con đạt 180,2 tỷ đồng.

Để vượt qua khó khăn, DN bất động sản phải biết đầu tư theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”


Tương tự, giải trình mới đây của CTCP Địa ốc Sacomreal (SCR) cũng cho biết, SCR lãi hơn 30 tỷ đồng trong quý IV/2012 trong khi cùng kỳ năm 2011 lỗ hơn 42 tỷ đồng. Con số lãi trên chủ yếu là từ nguồn tiền cổ tức mà SCR nhận được và thanh hoán các khoản đầu tư. Theo BCTC, SCR có lãi từ hoạt động tài chính hơn 149,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, tính chung cả năm 2012, SCR lãi sau thuế 90,4 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.

Nguồn thu khác “cứu nguy”

Phần lớn DN bất động sản có lợi nhuận năm nay đều có nguồn thu khác góp vào. Trong đó, ở một số đơn vị, nguồn thu khác có vai trò “cứu nguy” cho DN. Đơn cử, nhờ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ chuyển nhượng 80% Dự án KDC phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. HCM cho DacinHoldings Singapore mà CTCP Địa ốc Khang An (KAC) đã lãi lớn, vượt kế hoạch năm ngay trong 9 tháng đầu năm. Cũng nhờ nguồn thu này mà KAC vẫn lãi, dù mức lỗ trong quý IV/2012 của KAC là con số “khủng” hơn 43,8 tỷ đồng. Với Quốc Cường Gia Lai (QCG), không có khoản 14 tỷ đồng từ lợi nhuận khác, QCG đã bị lỗ khi lợi nhuận thuần từ kinh doanh bị âm.

Lợi nhuận khác, lợi nhuận tài chính đã trở nên rất ý nghĩa trong kết quả kinh doanh của nhiều DN như  CTCK Vạn Phát Hưng  (VPH), Bình Chánh (BCI)… Lợi nhuận khác giúp VPH đạt lợi nhuận sau thuế 12,6 tỷ đồng, tăng 88,9% so với năm 2011. Hay nếu không có lợi nhuận từ tài chính, BCI đã bị âm trong hoạt động kinh doanh.

Nhờ “cắt giảm chi phí”

Năm 2012 chứng kiến một loạt những động thái cắt giảm chi phí ở các DN bất động sản. DN cắt giảm mọi chi phí có thể cắt giảm được như thu hẹp phòng ban, sắp xếp lại nhân sự, cắt giảm lương thưởng, bỏ các chi phí không ưu tiên…

Với nhiều hoạt động cắt giảm chi phí kể trên, DXG đã đưa chi phí tài chính từ 41,6 tỷ đồng năm 2011 về 8 tỷ đồng trong năm qua. Riêng chi phí tài chính của VPH ghi nhận âm 8,92 tỷ đồng. Yếu tố này cộng với những nỗ lực trong kinh doanh đã giúp VPH đạt lợi nhuận sau thuế 12,6 tỷ đồng, tăng 88,9% so với năm 2011.

Vẫn còn nhiều DN chưa công bố con số kinh doanh cả năm 2012, vẫn còn nhiều DN bất động sản chưa dùng đến “chiêu” cuối cùng. Nhưng đa số các DN đều biết, nếu tình hình thị trường tiếp tục khó khăn, để trụ lại được, chỉ còn cách phải biết đầu tư theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Đó là lý do mà nhiều DN bất động sản vẫn đang tìm cách chân trong, chân ngoài trong một số lĩnh vực. Ai nhanh chân và có thêm một chút may mắn mới có thể tồn tại qua cơn bĩ cực này.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí