Cho phép đầu tư nhà ở thương mại có quy mô từ 25m2 trở lên đối với các dự án đang xây dựng dở dang để giải quyết hàng tồn; lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm về 8-10%/năm, vì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp BĐS hiện nay rất thấp; cho phép mua lại các công trình dở dang của doanh nghiệp để làm trụ sở các Bộ, ngành.
Đó là lời “kêu cứu” từ Hiệp hội bất động sản Việt Nam (Vnrea) trước thực trạng khó khăn của thị trường và các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua.
Theo Vnrea, năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp vật liệu liên quan đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hàng tồn kho lớn, kinh doanh thua lỗ, lãi vay và nợ xấu…
Đưa ra những con số đầy sảm đạm về thực trạng thị trường bất động sản, Vnrea cho biết, tính đến cuối năm 2012, sự hấp thụ của thị trường suốt từ quý 1 - quý 3/2012 là rất yếu, chỉ khoảng từ 5 -8% so với con số khoảng 35% của thời điểm năm 2010. Tuy nhiên, trong quý 4/2012 đến nay, tỷ lệ hấp thụ có chiều hướng tăng nhẹ đối với phân khúc nhà giá rẻ bình dân. Tỷ lệ tồn kho của các dự án chưa hoàn thành tăng 32% tại TP.HCM và khoảng 18% tại Hà Nội.
Đặc biệt, giá chào bán trung bình căn hộ toàn thị trường cũng giảm rõ rệt, trong đó tại Hà Nội từ khoảng 40 triệu đồng/m2 tại cuối 2011 xuống còn khoảng 22 triệu đồng/m2 vào cuối 2012. Tương tự tại TP.HCM, giá căn hộ cũng giảm từ 34 triệu đồng/m2 về còn 18 triệu đồng/m2.
Vnrea cho rằng, giá bất động sản hiện đang ở ngưỡng thấp hơn suất đầu tư, tức là rẻ hơn giá thành.
Với một báo cáo đầy ảm đạm, Vnrea dự đoán chiều hướng có thể sẽ tiếp tục xấu hơn đi nữa và xấu rất nhanh đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2013 và thậm chí là 3-5 năm tới.
Phân tích sự “bế tắc” của thị trường bất động sản, Vnrea cho biết, với con số nợ xấu vào khoảng 250 nghìn tỷ đồng đang là rào cản cho các doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng mới. Hiện tại, lãi vay cho lĩnh vực bất động sản đang ở mức khá cao khoảng 17%/năm. Cho dù có giảm về 12-15% vẫn còn cao gấp đôi so với tỷ lệ ROE khoảng 8% của doanh nghiệp. Với cán cân lãi vay và lợi nhuận như trên cùng với diễn biến đi xuống của thị trường cho dù có được tiếp cận với nguồn tín dụng mà doanh nghiệp vẫn kinh doanh không hiệu quả, nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh.
Vì thế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường cũng như doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Vnrea kiến nghị cần chi tiết hóa, thực thi ngay những giải pháp mà Chính phủ đã thông qua từ quý 1, 2 năm 2013 như về giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn 20-40 nghìn tỷ cho vay lãi suất 8%/năm thời hạn 5-10 năm, triển khai công ty mua bán nợ xấu (VAMC) ngay trong quý 1/2013;
Tập trung xây dựng nhà ở xã hội với với các gói tín dụng ưu đãi như chương trình 30.000 tỷ của BIDV, 3% dư nợ dành cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước;
Rà soát lại tiến độ các dự án để quyết định cho chuyển mục đích sử dụng, giãn tiến độ hay thu hồi dự án;
Kích thích đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cở sở hạ tầng; Kiến nghị cho phép mua lại các công trình dở dang của doanh nghiệp để làm trụ sở các Bộ, ngành;
Cho phép đầu tư nhà ở thương mại có quy mô từ 25m2 trở lên đối với các dự án đang xây dựng dở dang. Thay đổi tiêu chuẩn xây dựng nhà cao tầng về quy định tỷ lệ căn hộ nhỏ, vừa và lớn là 1:2:1 vì không phù hợp thực tế, thay vào đó cho phép DN tự cân đối.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị, lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm về 8-10%/năm, vì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp BĐS hiện nay rất thấp.
Hiệp hội này đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng sửa đổi quy định cho phép huy động vốn khi chưa xong móng đối với công trình căn hộ để bán, cho phép chủ đầu tư được huy động vốn ứng trước của khách hàng từ giải đoạn giải phóng mặt bằng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia