Loay hoay với giấy chủ quyền

Cập nhật 28/04/2012 08:00

Mới có 1/3 khách hàng mua căn hộ, nền đất tại 800 dự án kinh doanh nhà trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2011 được cấp giấy chủ quyền

Nhà được chủ đầu tư bàn giao nhưng chưa cấp chủ quyền thì không được mua bán, chuyển nhượng; căn hộ ở nhiều năm vẫn chưa được cấp giấy thì không thể thế chấp ngân hàng vay vốn... Đó là tình cảnh của hàng chục ngàn khách hàng đã mua nhà đất, căn hộ tại các dự án kinh doanh bất động sản tại TPHCM nhưng nhiều năm qua chưa được cấp giấy chủ quyền.

Hiện nay, việc chuyển nhượng căn hộ tại dự án chưa hoàn tất thuận lợi hơn căn hộ đã bàn giao mà chưa có chủ quyền. Ảnh: Hồng Thúy

“Nhà giấy được bán, nhà thấy thì không”

Chị Ngọc Hương mua căn hộ tại một dự án ở quận 7 - TPHCM chua chát kể về tình cảnh của chị: Căn nhà đã ở hơn 2 năm nhưng hiện không bán được, cũng chẳng thể thế chấp vay ngân hàng được do chưa có giấy chủ quyền.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có đến hàng chục ngàn trường hợp khách hàng đang bị tình cảnh “dở khóc, dở cười” như chị Hương. Chính vì thế, tại buổi tọa đàm giữa Hiệp hội Bất động sản TPHCM với đoàn của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa diễn ra tại TPHCM, một lần nữa vấn đề này lại được nêu lên và trở thành trọng tâm góp ý nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp cho thị trường nhà đất có tính thanh khoản và phát triển tốt hơn.

Ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn – Gia Định, nêu ra một thực trạng đang gây khó cho thị trường nhà đất. “Nhà giấy được bán, nhà thấy thì không”. Lý giải việc này, ông Thiều cho biết: Một trong những vấn đề các doanh nghiệp địa ốc và khách hàng kêu ca lâu nay là việc mua bán căn hộ theo Thông tư 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2010/NĐ-CP. Theo đó, người mua nhà chưa xây dựng xong có thể sang nhượng, còn một khi đã nhận nhà thì muốn bán lại khó.

Theo Thông tư 16, một khi người mua “đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua bán theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân sự (bên bán phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp…)”.

Nói nôm na, khi muốn sang nhượng căn hộ thì hợp đồng mua bán phải qua công chứng, mà để được công chứng thì phải có giấy chủ quyền nhà. Đây là điều không thể bởi thực tế cho thấy từ lúc nhận bàn giao căn hộ, người mua phải chờ nhiều năm mới có chủ quyền nhà.

Bao giờ được giải quyết?

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, từ năm 2001 đến cuối năm 2011, toàn TP có khoảng 800 dự án phát triển nhà ở đã triển khai với tổng số căn hộ và nhà liên kế được duyệt khoảng 150.000 nhưng mới cấp giấy chủ quyền nhà đất được 47.300, chiếm khoảng 30% tổng số căn hộ theo dự án được duyệt. Việc cấp giấy chủ quyền thực hiện chủ yếu đối với nhà biệt thự và nhà liên kế, còn nhà chung cư chưa đáng kể và chỉ mới được triển khai từ năm 2010.

Để giải quyết vướng mắc trên, nhiều doanh nghiệp đang phải “làm liều” bằng cách ký giấy xác nhận chưa bàn giao nhà dù khách hàng đã vào ở từ nhiều năm để qua cửa công chứng, dẫn đến những rủi ro tranh chấp giữa các bên.

Trước thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng: “Người mua không có lỗi trong việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở và trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước”. Theo ông Châu, việc không cho chuyển nhượng đã vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân, làm thiệt hại quyền lợi của chủ sở hữu và nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp có nhu cầu chuyển nhượng nhà ở.

Đầu tháng 4-2012, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã yêu cầu UBND các quận, huyện phải làm rõ và giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc trong việc cấp giấy chủ quyền, nhất là cấp cho người mua nhà đối với các dự án phát triển nhà ở, kể cả trường hợp cấp cho toàn bộ dự án hoặc chỉ cấp phần hạng mục đã hoàn thành và bàn giao cho người mua nhà. Thế nhưng, thực tế vẫn chưa có chuyển biến gì.

Lỗi do nhà đầu tư và cơ quan chức năng

Cuối năm 2011, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có đoàn kiểm tra 10 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà ở hầu hết dự án đều bị chậm. Trong đó, 5/10 dự án vi phạm như: chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, xây dựng sai phép, thay đổi công năng sử dụng các tầng, một số dự án thấp tầng không xây nhà để bán mà lại phân lô bán nền… Ngoài ra, một nguyên nhân góp phần làm cho việc cấp giấy chủ quyền của các dự án nhà ở chậm là từ phía cơ quan Nhà nước.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ