Loay hoay giải “bài toán” đất dịch vụ

Cập nhật 10/04/2012 10:30

TP Hà Nội đã có chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2012, các địa phương phải hoàn thành việc cân đối, xác định quỹ đất dịch vụ (ĐDV) và kết thúc việc giao đất cho người dân vào tháng 6-2013.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, mới có khoảng 1% số hộ trong diện được giao ĐDV, hàng vạn hộ khác vẫn mỏi mắt chờ. Thống kê cho thấy, phần diện tích đang nợ người dân xấp xỉ 1.000ha. Trả nợ thế nào là "bài toán" khó.

Nhiều hộ nông dân mất đất canh tác nhưng vẫn chưa được đền bù đất dịch vụ.Ảnh: Khánh Nguyên

Mới chỉ bàn giao được khoảng 1% ĐDV

Thực hiện Nghị định 17/CP và Nghị định 84/CP của Chính phủ, người dân nếu bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp sẽ được giao một suất ĐDV để chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định đời sống. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau khi hợp nhất, qua rà soát, tổng số hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp đủ tiêu chuẩn được giao ĐDV khoảng 62.044 hộ, nhu cầu cần khoảng 1.000ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu ĐDV. Đến nay, mới có quận Hà Đông bàn giao được 7,58ha đất cho 1.545 hộ, chưa đạt 1% tổng diện tích phải trả. Ước kinh phí đầu tư hạ tầng cho gần 1.000ha khoảng 100.000 tỷ đồng.

ĐDV ngày càng là vấn đề "nóng" đối với các địa phương, nhất là sau khi TP có văn bản "chốt" thời hạn trả cho dân. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc giao ĐDV. Trong đó có việc khu đất đề xuất xây dựng hạ tầng để giao ĐDV phải đợi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt. Một số khu phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch. Có khu vực vẫn chưa xác định rõ về quy hoạch sử dụng đất vì phải đợi quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Đại diện UBND huyện Hoài Đức giải thích, chậm giao ĐDV vì trước đây TP giao cho xã làm chủ đầu tư, nhưng năng lực của cán bộ quá yếu và nhất là do nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiếu trầm trọng. Tổng vốn đầu tư hạ tầng các khu ĐDV trên địa bàn Hoài Đức cần khoảng 3.000 tỷ đồng. Huyện đang đề xuất với TP phương án ứng vốn do ngân sách huyện không đủ.

Ông Lê Văn Thư-Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm thừa nhận đang rất lo lắng về vấn đề ĐDV. Ông băn khoăn, đây là nợ quá hạn nên rất khó nói với dân. Ông đề xuất dù có hay chưa có quy hoạch cũng phải tập trung xử lý dứt điểm để sớm có đất trả cho dân.

Phương án nào trả nợ?

Trong nhiều cuộc họp bàn về ĐDV, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đều nhấn mạnh: quan điểm chỉ đạo thống nhất của TP là tập trung giải quyết dứt điểm, dành quỹ đất để trả hết cho dân. TP sẽ trả đầy đủ theo đúng các quy định của luật. UBND TP đã ban hành văn bản số 375/TB-UBND, ghi rõ trong 6 tháng đầu năm 2012, các địa phương phải hoàn thiện việc cân đối xác định quỹ đất, địa điểm khu đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giao cho các hộ. Việc giao đất (kể cả việc quyết định giao đất trên bản đồ, chưa bàn giao đất trên thực địa) phải xong trước tháng 6-2013. TP sẽ huy động cả từ ngân sách và người dân để làm hạ tầng; trước mắt tập trung vào hệ thống giao thông. Yêu cầu các sở, ngành, huyện, quận ưu tiên dành quỹ đất để giao ĐDV. TP cho phép sử dụng quỹ đất 20% thấp tầng tại các khu đô thị mới, khu tái định cư (sau khi đã cân đối đủ cho nhu cầu tái định cư) để giao ĐDV. Với các dự án đã xây dựng xong hạ tầng, phải khẩn trương công khai danh sách, giải quyết vướng mắc để giao, không để xảy ra ùn tắc hồ sơ do thủ tục hành chính.

Quyết tâm là vậy nhưng phương án trả như thế nào lại đang là "bài toán" cho các cấp chính quyền. Băn khoăn về việc huy động vốn của người dân để làm hạ tầng, đại diện nhiều huyện cho rằng không khả thi vì không phải người dân nào cũng có khả năng về tài chính. Việc sử dụng quỹ đất tái định cư, đất 20% thấp tầng tại các khu đô thị mới để chuyển thành ĐDV cũng không dễ vì từ nhiều năm, qua triển khai giải phóng mặt bằng, các địa phương gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất bố trí tái định cư...

Một vấn đề "nóng" khác là tình trạng mua đi bán lại, chuyển nhượng ĐDV (vốn khá phổ biến thời gian qua) có được pháp luật công nhận? Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết: đối tượng được giao đất là hộ gia đình, cá nhân có tên ghi trên phương án bồi thường, hỗ trợ và là các hộ được giao đất theo Nghị định 64/CP. Điều này có nghĩa, TP không công nhận những giao dịch mua bán giữa các cá nhân đã có trước đây. Những đối tượng đã nhận chuyển nhượng đất dịch vụ từ nông dân sẽ phải chờ tới khi người dân "nắm" đất trong tay rồi mới được phép làm các thủ tục sang nhượng tiếp theo. Ngoài ra, những trường hợp chuyển từ ĐDV sang đất ở theo quy hoạch sẽ phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới