Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Trong số này, nhiều doanh nghiệp có doanh thu cùng lợi nhuận "rủ nhau" lao dốc, một số doanh nghiệp khác báo lỗ.
Doanh thu cùng lợi nhuận đi xuống
Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã CK: NDN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Cụ thể, trong kỳ này, doanh thu của Nhà Đà Nẵng chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm 65% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 667 triệu đồng, giảm 78% so cùng kỳ.
Nguồn thu phần lớn trong quý III là doanh thu tài chính đạt hơn 28 tỷ đồng, cũng giảm 25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng mạnh. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Nhà Đà Nẵng đạt 16 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 30 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, giảm 30%.
Ban lãnh đạo Nhà Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III/2019 sụt giảm so với cùng kỳ là do kinh doanh bất động sản chưa có doanh thu. Đồng thời chi phí hoạt động tài chính lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 9/2019, nợ phải trả của Nhà Đà Nẵng cũng tăng từ 1.129 tỷ đồng lên 1.491 tỷ đồng. Hàng tồn kho của NDN tăng đến 54%, ở mức 618 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại khu phức hợp Monarchy Block B.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Địa ốc First Real (mã CK: FIR) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ tài tài chính 2018-2019 (1/7/2018 đến 30/9/2019).
Báo cáo cho thấy, doanh thu trong kỳ là 47,1 tỷ đồng, giảm gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính của First Real ghi nhận vỏn vẹn gần 3 triệu đồng. Do tiết giảm được một số chi phí, lợi nhuận sau thuế của First Real đạt gần 19 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm 2018.
Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của First Real đạt 450 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn giảm 40% còn 367 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho giảm 32%, khoản tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh tuy nhiên, tỷ trọng trong cơ cấu tài sản ngắn hạn thấp.
Công ty cổ phần Địa ốc First Real có địa chỉ tại Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng, phường Hải Châu I, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất và kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp báo lỗ, thị trường nhiều dự án ách tắc
Báo cáo tài chính của Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vi Na (Land Saigon - LSG) cho thấy, doanh nghiệp này bị thua lỗ trong quý III/2019.
Cụ thể, trong quý này, Land Saigon tiếp tục không ghi nhận khoản doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính lại đưa về hơn 24,4 tỷ đồng cho LSG trong quý III, gấp hơn 7 lần so với doanh thu tài chính đạt được trong cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, phần lớn doanh thu tài chính mà Land Saigon đạt được trong quý này đến từ lãi đầu tư trái phiếu (24 tỷ đồng).
Tuy nhiên, chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay) cũng tăng mạnh lên mức 35,9 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận chi phí này. Kết quả, Land Saigon ghi lỗ ròng hơn 14,2 tỷ đồng trong quý 3/2019, cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 2,1 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 2.265 tỷ đồng, giảm 24%. Tuy nhiên nợ ngắn hạn lại tăng mạnh từ 89 tỷ đồng đầu năm lên tới 591 tỷ đồng sau 9 tháng, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Còn khoản phải trả dài hạn khác giảm mạnh từ 1.409 tỷ đồng còn 240 triệu đồng.
Nhận xét về thị trường bất động sản nói chung trong một báo cáo vừa công bố, Hiệp hội bất động sản TP.HCM - Horea cho rằng khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Theo hiệp hội này, xét về bản chất, thị trường bất động sản thành phố không xấu, do “tổng cầu về nhà ở có khả năng thanh toán” vẫn cao và sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt. Tuy nhiên thị trường bất động sản hiện nay đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 2 năm gần đây, mà nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới.
Chưa kể theo Hiệp hội này, tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đồng thời với sự sụt giảm quy mô thị trường bất động sản, còn cho thấy rõ đang có sự “lệch pha” nguồn cung về phân khúc nhà ở cao cấp, có thể chiếm tỷ trọng lên đến khoảng 70-80% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
Trong một báo cáo khác của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý III/2019, thị trường bất động sản của Hà Nội và TP. HCM đều có xu hướng chững lại do khan hiếm nguồn cung...
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí