Hiện nay, việc chuyển tên, đổi tên các hợp đồng mua bán bất động sản đang được các chủ đầu tư “tự tung tự tác”, mỗi công ty quy định một mức giá, một cách thu khác nhau khiến cho người mua nhà thiệt thòi.
Trong giao dịch bất động sản khi chuyển nhượng các hợp đồng mua bán, góp vốn ngoài việc phải nộp thuế thu nhập các nhà đầu tư còn phải chịu một mức phí phí chuyển tên hợp đồng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, có một điều đáng nói, hiện tại do không có sự quy định cụ thể của các cơ quan quản lý nên loại phí này đang được các công ty, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thu một cách vô tội vạ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (nhà đầu tư) cho biết, hiện tại một số công ty thứ cấp và chủ đầu tư đang tiến hành thực hiện việc huỷ hợp đồng cũ để vào tên cho người mua mới và thu phí phổ biến ở mức 2% trên tổng giá trị hợp đồng gốc, có công ty thu 4%, 5%, có công ty quy ra mức tiền 10 triệu đồng, 20 triệu đồng… mỗi một lần chuyển nhượng. Thậm chí còn có hiện tượng tiêu cực xảy ra do một số công ty quy định không làm thủ tục đổi tên cho người mua vì vậy để chuyển tên khách hàng phải “nhờ vả, chạy chọt” với mức chi phí khá cao.
“Hầu hết các công ty khi thu loại phí này đều không ghi phiếu thu thậm chí nhiều công ty còn tự in mẫu đơn trong đó ghi chú phía dưới “tự nguyện” do vậy biết là họ thu mức cao nhưng các nhà đầu tư cũng chẳng biết cách làm nào khác đành phải chấp nhận” chị Hạnh bức xúc.
Theo Anh Nguyễn Hùng Minh – giám đốc sàn bất động sản Minh Phú (Phạm Văn Đồng), trên thực tế khoản thu phí đổi tên được xếp vào một khoản thu lớn của các chủ đầu tư. Bởi, nếu tính mỗi lên sang tên cho khách công ty thu về vài chục triệu đồng trong khi các khách hàng sang tên chủ yếu đều là nhà đầu tư ngắn hạn nên số lần sang tên sau mỗi lần mua đi bán lại là tương đối thì không biết tổng số tiền thu được sẽ là bao nhiêu trong khi các cơ quan quản lý không có quy định cụ thể nào nên toàn bộ số tiền thu được sẽ vào túi chủ đầu tư.
Vì vậy, nếu cơ quan quản lý không có yêu cầu bắt buộc hoặc những quy định hướng dẫn cụ thể về điều khoản này rất dễ xảy ra trường hợp chủ đầu tư và công ty thứ cấp sẽ tự nâng tỉ lệ phần trăm theo ý của mình hoặc kéo dài thời gian gây ảnh hướng đến quyền lợi khách hàng.
Theo đề xuất của nhiều chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư muốn chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua bất động sản hình thành trong tương lai sẽ phải nộp một khoản thuế cho Nhà nước. Như vậy, Nhà nước sẽ thu được khoản thuế lớn bởi giao dịch hợp đồng mua bán, góp vốn đang chiếm phần lớn trên thị trường bất động sản. Còn nhà đầu tư sẽ đảm bảo được quyền lợi khi giao dịch theo hình thức này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia