Mỗi nơi một giá, mỗi nơi tính một kiểu, ai thích áp kiểu gì thì áp - thêm một lần nữa việc tính tiền thuê đất theo sát giá thị trường của cơ quan thuế lại gặp phải những phản ứng dữ dội từ phía các doanh nghiệp (DN).
Giá thị trường bất động sản hiện không có chuẩn mực, mỗi nơi một giá - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại cuộc đối thoại thủ tục hành chính thuế, hải quan vào hôm qua 27.9 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, bà Phạm Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á phản ánh, theo Nghị định 142, giá thuê đất tính từ 0,5% đến tối đa 2% giá đất theo khung giá đất của UBND tỉnh ban hành. Nếu DN ứng trước tiền bồi thường thì sẽ trừ vào tiền thuê đất cho đến khi hết hạn, nếu chưa hết thì chuyển sang giai đoạn sau. Cũng theo quy định, việc tính tiền giao đất, thuê đất, hằng năm các tỉnh, thành phải ban hành khung giá đất, công bố mức giá của từng khu vực. Thế nhưng, tỉnh Hưng Yên thực tế đã không làm theo, không tính trên khung giá ban hành mà lại tính trên giá thị trường. “Cơ quan thuế đưa ra mức giá cho DN rất cao, trước kia thuê 2.500 đồng/m2, bây giờ lên 18.000 đồng. Tôi có văn bản nhiều lần rồi nhưng đến nay không có trả lời và giải quyết. Trong khi đó, các đội liên ngành vẫn bắt DN phải nộp với mức giá thuê 16.000 - 18.000 đồng/m2”, bà Loan kiến nghị.
Có 6.100 DN quay trở lại hoạt động
Trả lời báo chí bên lề cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng vừa qua tình hình sức khỏe của DN cũng đã tốt hơn. Nhìn vào doanh thu kê khai thuế đã có 6.100 DN quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu tháng sau cao hơn tháng trước từ 3-4%. |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích, việc tính tiền thuê đất đang thực hiện theo Nghị định 121 thay cho 142, theo đó, tiền thuê đất theo sát giá thị trường. Như vậy, Hưng Yên làm đúng, chứ không sai. Tuy nhiên, do thời điểm ban hành rơi đúng vào lúc thị trường khó khăn, nên Chính phủ có yêu cầu các tỉnh, thành tính tiền thuê đất theo sát giá thị trường nhưng không để DN nộp tiền thuê cao gấp 2 lần so với mức giá ban hành của 2010.
Chưa đồng ý với câu trả lời trên, bà Loan cho rằng, quan điểm tính theo giá thị trường là đúng, nhưng phải có nguyên tắc. Nếu áp giá thị trường thì phải đưa giá thị trường vào văn bản, chứ không thể cơ quan thuế nói 20 triệu, DN nói 10 triệu rồi lại cãi nhau. Hơn nữa, giá thị trường bất động sản hiện không có chuẩn mực nên mỗi nơi một giá. Mỗi "ông" áp một kiểu, thích áp kiểu nào thì áp.
Trước bức xúc của bà Loan, ông Tuấn khẳng định, giá đất được UBND tỉnh ban hành vào 31.12 hằng năm, dựa vào đây để tính giá thuê, nếu chưa sát thì tính theo giá thị trường. Đối với quy định không được tính gấp quá 2 lần so với 2010, giá 2010 chưa được tính theo giá thị trường mà theo khung của các tỉnh ban hành trước đó nhiều năm, đã duy trì ổn định. Dựa vào đó để tính giá đất 2011 và 2012 để tránh gây thiệt thòi cho DN.
Đại diện của một số DN cũng cho rằng, trong nghị định có hướng dẫn những DN bỏ tiền ra GPMB sẽ được trừ vào tiền thuê đất, nhưng nhiều nơi không có hướng dẫn mà vẫn bắt DN nộp tiền thuê đất hằng năm. Ông Tuấn thừa nhận, trong quy định hiện nay đang có một điều khó làm, đó là tiền thuê đất được trừ khi DN bỏ tiền tạm ứng hỗ trợ tái định cư nhưng phải theo phương án phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Thực tế, có 2 phương án, một là phương án phê duyệt thấp, hai là không được phê duyệt. “Chỗ này đang vướng mắc chung, hiện nay kể cả tiền thuê đất và giao đất, nhiều DN đang không được trừ. Do vậy, cái nào đã được duyệt thì làm theo, cái nào chưa được thì DN kiến nghị với UBND tỉnh để được phê duyệt. Tôi sẽ yêu cầu Cục Công sản kiểm tra để trả lời DN và UBND các tỉnh để trừ cho DN”, ông Tuấn nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên