Loại bỏ 7 thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

Cập nhật 04/06/2008 09:00

Sáng 4-6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng với sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành liên quan cùng các Vụ, Viện chức năng.

Theo đó, 7 thủ tục sẽ được loại bỏ bao gồm: xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; thỏa thuận của địa phương (nơi có đất) về địa điểm dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (QHCTXD) tỷ lệ 1/500; chấp thuận lập nhiệm vụ QHCTXD tỷ lệ 1/500; chấp thuận ranh giới, mốc biên giới và diện tích ô đất lập QHCTXD tỷ lệ 1/500 và lập dự án; chấp thuận ranh giới ô đất lập QHCTXD tỷ lệ 1/500 và lập dự án tại địa phương có đất; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết kết quả khảo sát tại 9 dự án khu đô thị mới của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây... cho thấy: thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng vẫn rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, gây lãng phí và cản trở doanh nghiệp. Mỗi dự án phải qua 33 thủ tục và thời gian chuẩn bị kéo dài tới 3 năm. Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị bỏ bớt và ghép một số thủ tục để giảm thời gian xuống còn khoảng 1 năm, trong đó, các loại giấy tờ phải giải quyết tại cơ quan nhà nước tối đa là 5 tháng, thời gian còn lại để doanh nghiệp lo phần chuyên môn.

Bộ Xây dựng đề xuất cải tiến quy trình và nhập, ghép 8 thủ tục. Các thủ tục này là cần thiết nhưng không cần phải tách rời mà sẽ thực hiện một lần tại cơ quan đầu mối.

Theo đó, 2 thủ tục nhập vào cung cấp thông tin về quy hoạch gồm: giới thiệu địa điểm dự án; xác định chỉ giới đường đỏ và các số liệu hạ tầng kỹ thuật. 6 thủ tục nhập vào thẩm định, phê duyệt QHCTXD tỷ lệ 1/500 bao gồm: thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; các thỏa thuận chuyên ngành, cấp điện - nước; các thủ tục về chiều cao tĩnh không; phòng cháy - chữa cháy; thỏa thuận kiến trúc; thẩm định thiết kế cơ sở.

Bộ cũng đang xây dựng Quy trình mẫu về thủ tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở và hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp gồm 8 loại thủ tục. Đối với một số thủ tục cần được cải tiến, bãi bỏ nhưng vượt quá thẩm quyền sẽ được Bộ Xây dựng báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo TTXVN