Khó khăn về thanh khoản của ngân hàng sẽ trực tiếp tác động đến thị trường địa ốc. Ảnh: H.T |
Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM đang gặp khó khăn do thiếu vốn.
Chia sẻ bên lề buổi gặp mặt đầu năm giữa các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và đại diện các cơ quan quản lý TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định, nếu không có giải pháp tích cực hỗ trợ, nguy cơ nhiều doanh nghiệp địa ốc sẽ bị phá sản.
Theo ông Đực, qua thống kê sơ bộ, TP.HCM hiện có khoảng 70% dự án đang xây dựng dở dang phải “đắp chiếu” vì thiếu vốn đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiến thoái lưỡng nan, nếu khó khăn kéo dài, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản. “Cơ hội cho thị trường bất động sản phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là tín dụng được mở, nhưng điều sẽ rất khó, vì còn tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô và với tình hình như hiện nay, khi điện, nước và nhiều mặt hàng thiết yếu khác liên tục tăng giá, e việc kiềm chế lạm phát sẽ gặp khó khăn, nếu lạm phát không được kiềm chế, cơ hội lãi suất giảm xuống là rất khó. Thứ hai, bản thân phải điều chỉnh thiết kế, đầu tư xây dựng các dự án căn hộ nhỏ hướng đến nhu cầu thực của người tiêu dùng sẽ giảm được chi phí đầu tư và tạo được tính thanh khoản. Tuy nhiên, để doanh nghiệp làm được điều này, cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về chính sách”, ông Đực nhận định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, điều lo lắng nhất của thị trường địa ốc TP.HCM thời gian tới là tính thanh khoản của thị trường. “Khó khăn về thanh khoản của ngân hàng sẽ trực tiếp tác động đến thị trường địa ốc, vì hầu hết việc mua bán trong lĩnh vực bất động sản hiện nay đều liên quan đến ngân hàng. Hơn nữa, theo chủ trương của Nhà nước, năm 2012, tín dụng dành cho bất động sản chưa có dấu hiệu cải thiện”, ông Châu nhận định và cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phải tính đến việc tự cân đối, sắp xếp nguồn vốn cho riêng mình.
Đánh giá thị trường bất động sản TP.HCM dưới góc độ đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, thị trường bất động sản TP.HCM hiện còn nhiều bất cập, hạn chế, tập trung chủ yếu ở phân khúc nhà ở. “Nhà ở phát triển mất cân đối, dư thừa nhà cao cấp, thiếu sản phẩm nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho thuê phù hợp với thu nhập của đại bộ phận dân cư. Vốn đầu tư cho bất động sản phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng và chịu ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách tiền tệ và tài khóa”, ông Danh đánh giá.
Ngoài việc kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ thị trường bật động sản, tại buổi gặp mặt, ông Lê Hoàng Châu cũng hé lộ về chủ trương sẽ mua lại một số lượng căn hộ trong các dự án của các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Thành phố để làm quỹ nhà phục vụ tái định cư. “Nếu chủ trương này được thực hiện, thì sẽ giải quyết được một lượng lớn hàng tồn kho cho doanh nghiệp”, ông Châu cho biết.
Đồng quan điểm, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, cho rằng, vấn đề cấp bách của thị trường hiện nay là làm thế nào để chính sách hỗ trợ thị trường, thị trường đang rất cần bàn tay hỗ trợ từ Nhà nước về các vấn đề như chính sách tín dụng, thuế, tiền sử dụng đất…, để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đánh giá về tiềm năng thị trường địa ốc TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, về cơ bản, thị trường bất động sản TP.HCM còn rất nhiều cơ hội để phát triển. “Để thị trường phát triển tốt, các bộ, ngành cần bàn thảo, tìm hướng phát triển cho thị trường, kích thích doanh nghiệp, qua đó đánh thức tiềm năng của thị trường”, ông Nam kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư